Nhìn lại cuộc xung đột Nga - Ukraine sau 6 tháng

24/08/2022 21:27

Sáu tháng nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của vô số người và trật tự thế giới.

Xe tăng Ukraine tiến về tiền tuyến ở vùng Luhansk. Ảnh: AFP/Getty Images

Xe tăng Ukraine tiến về tiền tuyến ở vùng Luhansk

Dưới đây là 6 sự thật được rút ra trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bước sang tháng thứ 7.

Thế giới dần mệt mỏi với cuộc chiến kéo dài

Tình hình chiến sự tại Ukraine đã gắn kết một số quốc gia và người dân các nước lại với nhau. Tại Vương quốc Anh, cờ Ukraine vẫn tung bay để bày tỏ sự ủng hộ tinh thần. Các chính phủ đã gửi hàng tỷ USD gói viện trợ quân sự, nhân đạo và tài chính cho Ukraine, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Nhưng điều đó gần như vẫn chưa làm cho cuộc chiến kết thúc.

Theo các nhà phân tích của hãng tin Bloomberg, sự ủng hộ của công chúng sẽ càng suy yếu khi chiến tranh kéo dài, đặc biệt là khi các quốc gia phải vật lộn để đối phó với các vấn đề ở trong nước như chi phí sinh hoạt tăng cao, lạm phát, suy thoái kinh tế... Trong một cuộc thăm dò tại 10 quốc gia châu Âu thực hiện hồi tháng 5, có 42% số người tham gia trả lời chính phủ nước họ đang quan tâm quá nhiều đến Ukraine so với những vấn đề ngay trong chính quốc gia của mình.

Theo đài CNN, vài tháng tới sẽ là quãng thời gian khó khăn nhất đối với các quốc gia châu Âu kể từ khi chiến sự bắt đầu. Người dân sẽ cảm thấy bị bóp nghẹt trong cơn bão giá. Nhiều hộ gia đình sẽ phải tính toán lại chi tiêu, nhất là cho nhiên liệu.

Cuộc khủng hoảng này xảy ra khi nhiều nước châu Âu còn là nơi tiếp nhận hàng nghìn người di tản Ukraine. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo khó có thể biện minh cho hành động hỗ trợ một quốc gia ở xa, đặc biệt là khi ngay chính công dân nước mình rơi vào tình cảnh sống thiếu thốn.

Hàng triệu người tị nạn Ukraine rải rác khắp châu Âu

Trước khi chiến sự bùng phát, các chuyên gia ước tính có khoảng 1 triệu đến 5 triệu người di tản rời khỏi Ukraine. Tuy nhiên, con số này thấp hơn thực tế. Hiện có khoảng 6,7 triệu người tị nạn được ghi nhận rải rác trên khắp châu Âu, không tính những người đã trở về nhà. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ghi nhận khoảng 11 triệu người vượt biên giới Ukraine và 4,7 triệu người đã trở lại quê nhà.

Tổn thất sinh mạng vô tội

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) ngày 22/8 cho biết, kể từ ngày 24/2, hơn 5.500 dân thường đã được báo cáo là thiệt mạng và gần 7.900 người bị thương, mặc dù con số thương vong thực tế có lẽ cao hơn. Theo OHCHR, phần nhiều những người thiệt mạng hoặc bị thương đều là nạn nhân của các loại vũ khí sát thương như pháo binh, tên lửa và các cuộc không kích.

Nga đang giành thắng lợi trong cuộc chiến năng lượng

Triển vọng từ các thị trường năng lượng khá ảm đạm. Theo chuyên gia Javier Blas của Bloomberg, bất kể chỉ số nào cũng đều đang thể hiện Nga chiến thắng trong cuộc chiến năng lượng. Nga vẫn kiếm được hàng trăm triệu USD mỗi ngày từ việc bán dầu. Điều đó có nghĩa là nước này có thể đủ khả năng từ bỏ thu nhập từ việc bán khí đốt tự nhiên và gây sức ép nhiều hơn lên Berlin, Paris và London - những nơi đang phải chống chọi với sự tăng giá và thiếu hụt năng lượng ngày càng trầm trọng. Giá điện tiêu chuẩn ở Đức đã tăng vọt trong sáu tháng qua, lên mức cao nhất mọi thời đại và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đức dường như đang làm tốt việc lấp đầy các kho dự trữ khí đốt, với mục tiêu lấp đầy 95% vào tháng 11. Tuy nhiên, chuyên gia Julian Lee chỉ ra nguy cơ về một mùa Đông lạnh giá kèm theo mất điện vẫn hiện hữu đối với người dân nước này nói riêng và châu lục nói chung do tác động từ giá cả.

Kosovo đã áp đặt chế độ cắt điện sau khi nhà phân phối hết tiền để nhập khẩu điện từ Albania. Trong 6 tháng tới, khả năng châu Âu sẽ chứng kiến nhiều quốc gia hơn có động thái tương tự. Cụ thể, Vương quốc Anh đã lên kế hoạch cắt điện vào tháng 1/2023.

Thụy Sĩ duy trì vị thế trung lập

Thái độ trung lập đã là một phần truyền thống của Thụy Sĩ trong nhiều thế kỷ, nhưng liệu nước này có thể thực sự tiếp tục trung lập và tuyên bố duy trì các giá trị dân chủ và nhân đạo trước cuộc xung đột ở Ukraine. Theo ông Andreas Kluth, điều đó chắc chắn xảy ra. Muốn đạt được hòa bình sẽ cần phải có người trung gian và vì vậy thái độ trung lập là điều cần thiết. Geneva là lựa chọn tốt nhất mà thế giới hiện có.

6 tháng tới sẽ khác hoàn toàn với 6 tháng đầu tiên

Vậy chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Về cuộc chiến, chuyên gia Hal Brands cho rằng cuộc chiến hiện bước vào giai đoạn thứ ba mang tính quyết định, sau giai đoạn một là tấn công ồ ạt và giai đoạn hai là sự thúc đẩy của Moskva nhằm kiểm soát toàn bộ khu vực Donbass.

Giai đoạn ba có thể báo hiệu một cuộc phản công của Ukraine ở phía nam đất nước. Tuy nhiên, Ukraine sẽ cần tâm lý và chiến thuật nếu muốn giành lại quyền kiểm soát một phần lãnh thổ.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhìn lại cuộc xung đột Nga - Ukraine sau 6 tháng