Ngôi nhà chung của những người đam mê viết báo

01/12/2021 08:30

Từ chỗ chỉ là bạn đọc, nhiều cây viết đã trở thành cộng tác viên gắn bó của Báo Hải Dương. Với họ, tờ báo cũng như "ngôi nhà" của mình, là nơi để người cầm bút gửi đến bạn đọc điều mà mình tâm đắc nhất.


Báo Hải Dương gặp mặt cộng tác viên (ảnh tư liệu)

Gắn bó với tờ báo quê hương

Hầu hết hội viên khối văn học thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh là cộng tác viên của báo. Khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước, Tạp chí Côn Sơn, Tạp chí Văn nghệ của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh ba tháng mới ra một số, vì vậy việc đăng tải các tác phẩm của hội viên rất hạn chế. Trong khi đó báo Hải Dương phát hành hầu hết các ngày trong tuần, lại xuất bản thêm Hải Dương cuối tuần, Hải Dương hằng tháng với rất nhiều chuyên mục. Ngoài đăng thơ, truyện ngắn, báo còn đăng tản văn, giới thiệu tác giả, tác phẩm cùng thơ châm biếm, tranh phê bình cùng những bức ảnh đẹp giới thiệu quang cảnh quê hương, đất nước… Nhiều cộng tác viên gắn bó với báo tới mấy chục năm.

Báo Hải Dương cũng mở ra nhiều cuộc thi thu hút các cây bút gần xa như cuộc thi viết về đề tài học tập và làm theo gương Bác, thương binh - liệt sĩ, gương sáng người cao tuổi, thi ảnh… Nhiều tác giả là cộng tác viên đã đoạt giải cao. Một điều đáng quý nữa ở Báo Hải Dương là việc gửi nhuận bút và báo tặng rất kịp thời, chu đáo. 

Chúng tôi đi xa về gần đều có thể ghé thăm tòa soạn bất cứ lúc nào như người trong nhà bởi các đồng chí trong Ban Biên tập, biên tập viên, phóng viên đều trân quý. Nhiều khi các anh em trong tòa soạn còn chủ động gọi điện hỏi thăm sức khỏe, nhắc viết bài và không quên nhắn lên thăm. Gần gũi và ấm cúng như vậy nên từ lâu báo Hải Dương đã trở thành ngôi nhà chung của những cây bút trong và ngoài tỉnh.

NGUYỄN VIỆT THANH(Ninh Giang)


Hưởng "lộc" từ báo

Báo Hải Dương tròn 60 tuổi,  nhưng tôi chỉ có năm chục năm cộng tác. Ngày báo ra đời, tôi còn là cậu học trò. Nói cho công bằng, tuy không ăn lương của báo, nhưng tôi đã hưởng lộc. Cũng từ viết báo mà thành danh, thành nghiệp, nghiệp viết lách cho đến bây giờ.

Là tờ báo địa phương, “ao nhỏ, ruộng hẹp”, nếu không sáng tạo tìm cách thể hiện thì không tránh khỏi trùng lặp dễ nhàm trước các đề tài xung quanh như chuyện học hành, kinh doanh buôn bán, dựng xây, môi trường, nông nghiệp, tuyển quân…

Vậy mà báo đã khéo léo vượt qua bằng sự cách tân, làm mới. Đổi mới không chỉ là thay đổi kích thước tờ báo, số trang, nội dung, màu sắc trình bày, mà còn ở bố cục, tổ chức tờ báo  luôn  hấp dẫn.

Đặc biệt là những số báo Tết. Phong phú lắm! Tờ báo đã tập hợp và chọn lọc nhiều tác phẩm có giá trị để phô bày sản phẩm tinh thần mỗi khi xuân về. Ngoài tranh, ảnh, bài vở vui tươi, thơ, truyện… còn có câu đối, mời đối… Tôi nói đùa với anh em, nếu lấy tay che măng-sét 2 chữ Hải Dương thì  không ai bảo là báo tỉnh lẻ. Nó phóng khoáng, chuyên nghiệp từ trang trí đầu bài, màu sắc đến cỡ chữ, minh họa. Bài vở phong phú mà không vụn vặt kiểu "bồ hàng xén".

Báo Hải Dương vững mạnh, một phần là tổ chức, xây dựng được mối quan hệ với đội ngũ cộng tác viên đông đảo có tâm huyết. Đó là các văn nghệ sĩ, nhà khoa học nổi tiếng sinh sống tại nhiều vùng miền trên cả nước.

Cảm động hơn, với những cộng tác viên lớn tuổi, sức khỏe hạn chế khi di chuyển đến cơ sở để lấy tài liệu viết bài, cơ quan tạo điều kiện hỗ trợ phương tiện.

Tôi có tý danh phận, từ cộng tác với Báo Hải Dương… là như thế.

Nghệ sĩ Ưu tú KHÚC HÀ LINH


Mang niềm vui đến cho người viết

Tôi là một cộng tác viên, bạn đọc của báo Hải Dương dù tôi sinh sống ở Hà Nội. Vì yêu quê hương, thấy gần gũi với báo Hải Dương ngay từ ngày đầu gửi bài cho báo.

Tôi đã từng cộng tác với nhiều tờ báo như Hưng Yên, Bắc Ninh, Người Hà Nội, Bình Định, tạp chí Cánh buồm, tạp chí Văn Việt... Cuối cùng chỉ còn lại báo Hải Dương là thôi thúc tôi cầm bút, thấy có lỗi nếu lâu lâu không có bài gửi về báo.

Tôi đã đi dự gặp mặt cộng tác viên khối văn nghệ ở nhiều tờ báo, tạp chí nhiều năm trước nhưng có lẽ chỉ có báo Hải Dương mới thu phục nhân tâm những người cầm bút do sự chân thực và ân nghĩa.

Có lần tôi về qua cầu Me (Ninh Giang), dừng chân trú mưa quán bên đường, gặp một cô thợ may không còn trẻ nhưng rất xinh, rất thích thơ văn, thường đọc báo Hải Dương cuối tuần, thuộc mấy bài thơ của anh Lê Đình Cánh… Tôi gọi điện cho anh Lê Đình Cánh, anh rất mệt vì đang truyền hóa chất, qua mấy câu trao đổi, tôi đưa điện thoại cho cô gái nói chuyện trực tiếp, đọc xong nhận xét về những bài thơ ấy… Anh Lê Đình Cánh cười nói với tôi mình như khỏe lại ông à, cảm ơn báo Hải Dương đã cho mình niềm hạnh phúc này, người viết chỉ cần như thế, có người nhớ và thuộc thế là đủ…

Xin cảm ơn báo Hải Dương! Là một bạn đọc, bạn viết gần gũi với báo Hải Dương, nhớ lời các bậc đàn anh, tôi tự nhắc mình cần viết những điều tử tế khi cầm bút để gửi về báo Hải Dương.

HÀ TRỌNG ĐẠM(Hà Nội)


Giúp thực hiện đam mê

Tôi không có vinh dự là cộng tác viên có bài trong số báo Hải Dương đầu tiên, nhưng thật may mắn được là cộng tác viên tích cực nhiều năm của báo Hải Hưng trong những năm kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên của một thời tuổi trẻ. Từ một cô giáo làng 22 tuổi, chưa có hiểu biết về phong trào phụ nữ, chưa có một ngày học nghiệp vụ báo chí tuyên truyền mà được phân công kết hợp với các cơ quan tuyên truyền viết, giới thiệu gương điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào phụ nữ trên các lĩnh vực sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu…Do tính chất công việc và lòng đam mê viết văn, lại được sự giúp đỡ tận tình của các nhà báo gạo cội như Nguyễn Hữu Phách, Hồ Duy Khuông, Nguyễn Kỳ, Nguyễn Thế Trường… tôi đã có thêm lòng tin và niềm đam mê với nghiệp viết. 

Già nửa thế kỷ đã trôi qua, mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm một thời viết văn và làm báo, tôi luôn thầm cảm ơn Báo Hải Hưng (nay là Báo Hải Dương) và các nhà báo đàn anh đã bồi dưỡng nghiệp vụ đầu tiên để tôi được tham gia làm báo, gửi đến bạn đọc những vấn đề mà mình tâm đắc. 

NGUYỄN THỊ BÍCH(Thanh Hà)


Động lực lớn với đội ngũ cộng tác viên

Cộng tác với báo Hải Hưng, rồi báo Hải Dương nhiều năm, nhưng phải đến tháng 2.2009, lần đầu tiên tôi mới được dự hội nghị cộng tác viên tích cực do Báo Hải Dương tổ chức. Nhận được giấy mời do đồng chí Tổng Biên tập Hà Cừ ký mà lòng tôi lâng lâng niềm vui, cảm xúc thật khó tả. Vui vì được tòa soạn ghi nhận và bởi tôi sẽ được gặp các cộng tác viên của báo, những người mà tôi biết tên tuổi từ lâu.

Hội nghị cộng tác viên tổ chức ở Nhà khách hồ Côn Sơn. Khi chúng tôi đến nơi thì các nhà văn, nhà thơ từ Hải Phòng, Quảng Ninh lên đã ở đó. Tôi vui mừng được gặp nhà thơ Hoài Khánh, nhà văn Cao Năm, nhà thơ Trần Nhuận Minh… Một cuộc gặp thú vị sau 20 năm từ trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam giữa tôi và nhà thơ Hoài Khánh, cùng trong Chương trình Văn nghệ thiếu nhi, mà nhà thơ Lê Đình Cánh chọn, biên tập các tác phẩm thơ thiếu nhi, phát sóng tháng 2.1989 trên làn sóng của đài. Nhà thơ Lê Đình Cánh xúc động: "Tôi theo dõi, tìm kiếm Nguyễn Đình Xuân đã lâu, nhờ Báo Hải Dương mà chúng ta gặp nhau lần đầu tiên và cảm động thế này!".

Sau bữa cơm chiều đầm ấm, tối hôm đó, tại Nhà khách hồ Côn Sơn, các nhà thơ, nhà văn, văn nghệ sĩ là cộng tác viên của Báo Hải Dương có cuộc giao lưu thật thú vị, nhất là những câu chuyện của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và hát ca khúc chế của anh.

2 năm gần đây, do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Báo Hải Dương chưa có điều kiện gặp mặt các cộng tác viên ngoài tỉnh.  Một số cộng tác viên quen thuộc của Báo Hải Dương đã mãi mãi đi xa song ấn tượng về những cuộc gặp mặt cộng tác viên đầm ấm của báo vẫn nguyên vẹn trong tôi.

ĐÌNH XUÂN(Báo Quân đội nhân dân)


Tôi vẽ biếm họa cho báo 

Từ đam mê với tranh biếm họa, tôi đã mày mò tự học, tự nghiên cứu để vẽ tranh biếm. Những năm 70 của thế kỷ trước, tôi bắt đầu vẽ biếm cho báo Hải Dương. (bấy giờ là báo Hải Hưng)

Báo lúc đó chưa có tòa soạn cố định, tôi mạnh dạn đưa vài tranh vui vào phòng bác Nguyễn Thi hồi đó là Tổng Biên tập làm việc trên gác hai toà nhà Tỉnh ủy. Tôi được bác Nguyễn Thi tiếp cởi mở, chân thành động viên tôi cố gắng và vẽ theo tin thời sự. 

Bài được in sắp chữ chì, tranh vẽ được khắc trên gỗ. Bác Huy Đô độc quyền, nổi tiếng khắc tranh vì ngoài bác không có ai cả. Bài viết, tranh ảnh của cộng tác viên in trên giấy vàng khè, có người nói đùa chữ A in trên báo Hải Dương bị nhòe có người "vồ nhầm" tưởng là "con ruồi" trên báo...

Được đồng hành cùng với báo Hải Dương cũng như báo chí toàn quốc là một niềm vui to lớn với tôi, nó là "cái nôi" nuôi tôi khôn lớn...

Hiện nay, báo Hải Dương có mục cho tranh vui ổn định và có sự đóng góp của nhiều họa sĩ biếm  trong và ngoài tỉnh. 

CHU ĐỨC TIẾN(Hải Dương)


Học được nhiều điều từ Báo Hải Dương

Đã tròn 20 năm  gắn bó với nghề báo, trên chặng đường nghề nghiệp, bao kỷ niệm buồn vui đáng nhớ, cả những bài học trong hành trình gian nan với cây bút. Song, quãng thời gian đi thực tập ở Báo Hải Dương chính là kỷ niệm không thể nào quên trong tôi. Khi đó, tôi là sinh viên năm thứ ba, Khoa Báo chí, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Nhớ lại ngày đầu đến tòa soạn là không khí thân thiết, ấm cúng như một gia đình. Đây là khoảng thời gian mà tôi thật sự học được rất nhiều điều từ những người đi trước, cả về kỹ năng nghề nghiệp lẫn ứng xử trong cuộc sống, qua những cuộc trò chuyện trực tiếp với mọi người ở các bộ phận trong tòa soạn, cả những chuyến đi thực tế cùng phóng viên.  

Quãng thời gian thực tập tại Báo Hải Dương đã tiếp thêm cho tôi tình yêu với nghề báo, dù biết phía trước còn vô vàn chông gai, thử thách. Tốt nghiệp đại học, tôi quyết định gắn bó với nghề báo và trở về Hải Dương với mong muốn được góp chút nhỏ bé vào công cuộc xây dựng, đổi mới quê hương.

BÙI THU HẰNG (Hội Nhà báo tỉnh Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi nhà chung của những người đam mê viết báo