Bài học từ "Đàn gà ra trận"

28/05/2023 09:00

Là người lính đưa tin ở mặt trận, tôi vẫn nhận được tài liệu Thông tin viên của Báo Quân đội nhân dân gửi đến hằng quý, hằng tháng viết theo chủ đề hướng dẫn…

Là người lính đưa tin ở mặt trận, tôi vẫn nhận được tài liệu Thông tin viên của Báo Quân đội nhân dân gửi đến hằng quý, hằng tháng viết theo chủ đề hướng dẫn… Năm 1973, tôi về học lớp báo chí sơ tán ở vườn hồng xiêm tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Nguyễn Hồng Hà là Chủ nhiệm lớp. Phúc Nghiệp là Trưởng Ban Bạn đọc Báo Quân đội nhân dân nhắc nhở các học viên phải viết ra tấm, ra món, phải biết độc lập tác nghiệp ở chiến trường, không thể viết như khi chưa được trang bị kiến thức làm báo…

Trở lại chiến trường Lào, tôi viết bài "Đàn gà ra trận" theo kiểu phóng sự, có đầy đủ mọi lớp lang như tôi đã đến, tôi đã đi, tôi đã chứng kiến… Bài có đủ tính Đảng, tính đa dạng, tính quần chúng, tính kịp thời… theo lý thuyết đã được học. Tôi đếm đủ chữ theo quy định của chuyên mục, rồi gửi về Báo Quân đội nhân dân.

Mấy tuần sau, tôi nhận được báo và phiếu nhuận bút 5 đồng từ hậu cứ chuyển đến. Tìm mãi mới thấy bài đăng ở mục hậu cần cơ sở với tiêu đề "Tiếng gà gáy trên chốt trực", trong đó chỉ vài dòng nói đến việc Trưởng bản Kéo ở Điện Biên mang đôi gà ra với ý định thịt để chia tay ban chỉ huy mặt trận khi đơn vị sang Lào. Chủ nhiệm chính trị mặt trận đề nghị không thịt liên hoan mà mang theo về đơn vị để tình quân dân luôn gắn bó, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ thường ngày. Đôi gà một trống, một mái ấy đã sinh sôi thành đàn gà 36 con. Các điểm chốt có tiếng gà gáy lúc bình minh, không ai muốn thịt gà dù có lúc cả tháng mùa mưa đứt bữa, không có thực phẩm. 

Trở lại lớp sau mấy tháng đi thực tế viết bài tôi được Chủ nhiệm lớp Nguyễn Hồng Hà gặp riêng phân tích cách chọn tiêu đề bài viết, cách xác định tin bài ở mục nào, số lượng chữ, chuyển tải cái gì để có tính định hướng, tính giáo dục, tính thẩm mỹ, tính kịp thời, chứ không phải chỉ giật tít cho lạ cho kêu.

Tôi dần ngộ ra nghề làm báo phải thực sự dấn thân, thực sự có năng khiếu, tích lũy vốn sống và không ngừng học hỏi đồng nghiệp bạn bè. Phải đi, học, đọc để viết.

HÀ TRỌNG ĐẠM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài học từ "Đàn gà ra trận"