Người thầy dạy nhà thơ chỉ qua 1 chữ

01/05/2022 09:38

Năm 1993, bà xã tôi nghỉ hưu, bèn bày một cái bàn ra trước cửa nhà bán nước trà chát, mà khách chủ yếu là các bạn thơ "hâm hâm" của chồng.

Năm 1993, bà xã tôi nghỉ hưu, bèn bày một cái bàn ra trước cửa nhà bán nước trà chát, mà khách chủ yếu là các bạn thơ "hâm hâm" của chồng. Tôi cũng không nhớ vào một chiều nào, tháng nào năm 1993, tôi ngồi vẩn vơ ở đó, thì thấy một chiếc xe con màu trắng đỗ xế về phía trái trước cửa nhà và bước xuống là một người đàn ông cao, hơi gầy, trán cao, dáng rất nhanh nhẹn, bước rất hoạt và hơi chúi về phía trước. Ông dừng trước cửa nhà bên cạnh và hỏi:

- Phiền bác cho tôi hỏi, có phải nhà anh Trần Nhuận Minh ở gần đây không?

Tôi ngồi gần đấy, vội đứng lên ngay:

-Thưa bác, tôi đây, kính mời bác vào nhà.

- Mình bận - ông khách nói, giọng nhỏ nhẹ - Mình đọc cái “Đá cháy" của Minh, có câu thơ “Đi trắng tóc chưa qua miền thơ dại/ Yêu làm sao, thăm thẳm gió thu ơi!”, mình muốn hỏi Minh viết là “Yêu” hay “Yên”?, vì có thể do lỗi mo-rát, chữ n ngửa sẽ thành chữ u là “Yêu”.

Tôi rất nhớ là ông phát âm chữ mo-rát có hơi gió của chữ s ở đằng sau, nên chợt nghĩ người khách này có Tây học. Đoán là ông hơn tuổi, tôi đáp ngay:

- Em viết là Yêu.

Ông khách nói:

-Yêu thì vứt. Yêu hay không yêu, là thơ của người khác, không phải thơ của Minh. Thơ của Minh là Yên hay không yên. Thơ của Minh là thơ của các số phận người, không bao giờ yên vì những va đập của đời sống xã hội và của cả thời đại. Sao lại là yêu? Yêu với ghét là chuyện của muôn đời, còn yên hay không yên mới là hiện thực lớn nhất của thời đại chúng ta ngày hôm nay. 

Tôi rất cảm động, mời ông bằng được vào nhà. “Mình bận”, ông nhắc lại, giọng rất nhẹ rồi phẩy tay cũng rất nhẹ một cái và bước lên xe. Xe đi, tôi nhìn theo để ghi nhớ số xe đó và thấy đoạn đối thoại diễn ra rất nhanh, là lạ, hay hay. Đêm ấy, tôi nằm nghĩ và chợt thấy, ý kiến của ông khách sâu sắc vô cùng. 

Tôi nhẩm lại những bài thơ tâm đắc của mình đã viết từ trước tới nay và chợt nhận ra những bài có chiều sâu hơn cả là những bài viết về sự “bất bình yên” của các số phận người, bởi đất nước mình, người dân nào cũng phải vượt qua biết bao nhiêu là thăng trầm, do chiến tranh, giặc giã và thiên tai. Tôi nghĩ, có lẽ đó mới là con đường đi của thơ mình: Viết về nhân dân, với biết bao gian lao vất vả của số phận, không phải một sớm một chiều có thể khắc phục được. 

Càng nghĩ đến những lời nói của vị khách, càng thấy ông quả thực là một người thày dạy mình về nghề.

Sau đó, qua tìm hiểu tôi được biết ông là Lưu Văn Bổng, Viện phó Viện Văn học. Tôi chắc ông đọc “Đá cháy” của tôi, Nhà xuất bản Văn học in năm 1989. Tôi nghĩ mỗi nhà văn ra đời, nhà văn nào cũng có nhiệm vụ phải trả lời qua hệ thống tác phẩm của mình, ít nhất là một câu hỏi nào đó của đời sống xã hội, hoặc của thời đại. Và trong chặng đường học hỏi của thơ tôi, người ảnh hưởng sâu sắc nhất đến suốt cuộc đời thơ của tôi, trước hết là Đại thi hào Nguyễn Du, còn riêng ở giai đoạn đi tìm  đường, thì lại chính là nhà nghiên cứu văn học phương Tây của Viện Văn học Việt Nam, Phó Giáo sư Lưu Văn Bổng, mà tôi chỉ may mắn được ông chỉ bảo trong khoảng 1 - 2 phút, trên sân nhà người hàng xóm, khi ông ngẫu nhiên ghé qua...

TRẦN NHUẬN MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người thầy dạy nhà thơ chỉ qua 1 chữ