Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bị người "ngoại đạo" sửa lời

02/04/2023 07:34

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (sinh năm 1924) sáng tác nhiều đề tài nhưng nhiều nhất vẫn là chủ đề nông dân, nông thôn, nông nghiệp.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (sinh năm 1924) sáng tác nhiều đề tài nhưng nhiều nhất vẫn là chủ đề nông dân, nông thôn, nông nghiệp. Hình ảnh người phụ nữ là chủ thể nổi trội nhất trong các ca khúc của ông. Chính vì vậy mà người ta gọi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là nhạc sĩ của chị em. Tuy tài năng là vậy, nhưng nhạc sĩ vẫn "bị" cán bộ, quần chúng sửa một đôi từ trong ca từ. 

Giai đoạn 1965-1972, giặc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn đích đáng, trong đó có công lao không nhỏ của các bà mẹ đã chăm lo hậu cần cho bộ đội pháo binh. Lần ấy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang) tới xã Đa Mai - một xã ven thị xã Bắc Giang mới có phong trào các bà mẹ trong Hội Mẹ chiến sĩ xã vá áo cho các chiến sĩ pháo binh. Sau một tuần ở đây, nhạc sĩ đã viết ca khúc "Tấm áo mẹ vá năm xưa". Trong ca khúc có câu: "Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc… Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo".

Sáng tác xong, tại buổi giao lưu ở hội trường của xã Đa Mai, nhạc sĩ hát cho các chị, các mẹ trong Hội Phụ nữ nghe. Một số chị em trẻ chưa chồng tỏ ý không đồng ý nhạc sĩ chỉ ca ngợi mẹ già thôi, mà không nói gì đến các thôn nữ cũng vá áo, khâu áo cho bộ đội. Nhạc sĩ chưa kịp thanh minh thì có một chị trung tuổi ở phía dưới hội trường có ý kiến "chữa" cho nhạc sĩ: "Đây nhé! - Rồi chị hát: Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc quần nhau với giặc… áo con rách bươm". 

"Cái áo con"… chính là áo trong của các cô gái, chứ có phải cụ già, bà già đâu. Hỏi ai mặc "áo con" đi đánh giặc nếu không phải là các chị, các em? Như thế là bài "Tấm áo mẹ vá năm xưa" của nhạc sĩ, nội dung ca ngợi các chị, các mẹ, các em gái tham gia vá áo chiến sĩ ở đấy rồi còn thắc mắc gì nữa". 

Cả hội trường cười rộ lên, không ai còn thắc mắc gì.

Vào đầu năm 1980, vào thăm Hà Tĩnh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý xuống một huyện, thấy những đồi sim chín mọng quả. Sau về ông viết bài "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" trong đó có câu:  "… Nghe xuân sang chim đâu bay đến/ Đậu cành sim chín, chín mọng vườn đồi…".

Khi về Huyện ủy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được nghe một đồng chí lãnh đạo huyện góp ý: "Đồng chí Tý viết như thế không phù hợp với phong trào của huyện chúng tôi rồi. Huyện chúng tôi đang huy động nông dân phá hết cây sim để trồng dâu nuôi tằm và trồng cỏ nuôi bò sữa cung cấp cho nhà máy sữa sắp xây dựng".

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tiếp thu ý kiến đó sau sửa thành: "Nghe xuân sang con chim bay tới/ Đậu cành dâu chín, chín mọng sườn đồi/ Chim hái được quả chín hồng tươi/ Ta cũng hái chi vài trăm quả/ Quả đầu mùa hứng hạt sương rơi/ Long lanh nỗi nhớ!/ Trâu hỡi ta về đồng cỏ mênh mông".

Tính địa phương và tính nữ trong các ca khúc của Nguyễn Văn Tý ở trong những bài ca trên đây tuy phải "sửa" ca từ chút xíu, nhưng đều trở thành những ca khúc nổi tiếng, sống mãi với thời gian. 

LÊ HỒNG THIỆN (st)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bị người "ngoại đạo" sửa lời