Quà tặng thầy của nhà thơ Huy Cận

20/11/2022 07:28

Hồi còn là học sinh trung học, nhà thơ Huy Cận vừa tham gia hoạt động bí mật vừa làm thơ. Năm 1945, ông tham dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào (Tuyên Quang).

Hồi còn là học sinh trung học, nhà thơ Huy Cận vừa tham gia hoạt động bí mật vừa làm thơ. Năm 1945, ông tham dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào (Tuyên Quang). Sau Cách mạng Tháng Tám, ông là Bộ trưởng Canh nông, Thứ trưởng Văn hoá, rồi Bộ trưởng đặc trách văn hoá - thông tin. Là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, nhưng Huy Cận rất khiêm tốn, giản dị và có tấm lòng thơm thảo, hiếu lễ kính thầy.

Năm 1928, mới 9 tuổi, Huy Cận vào Huế học năm đầu bậc tiểu học tại huyện Quảng Điền, gần ga Văn Xá cách TP Huế hơn chục km. Người thầy giáo đầu tiên dạy ông là Lưu Thành Công. Thầy Công đã để lại trong lòng cậu học trò họ Cù ấy nhiều kỷ niệm đẹp. Nhưng rồi một, hai năm sau Huy Cận xa thầy Công, học tiếp ở trường khác. Đến tuổi trưởng thành, ông tham gia hoạt động cách mạng suốt 60 năm. Năm 1996, ông có dịp trở về Huế dự lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Quốc học Huế.

Tại buổi lễ trọng này, có bao nhiêu bạn bè, quan chức gặp nhau mừng mừng tủi tủi nhưng Huy Cận không quên thăm hỏi người thầy đầu tiên của mình. Tại đây trong buổi nói chuyện với các cựu học sinh của Trường Quốc học Huế, Huy Cận có nhắc đến thầy Công. Sau buổi nói chuyện ấy có một người xưng tên là Tấn Hoài tới gặp Huy Cận. Ông Hoài tự giới thiệu: "Thưa nhà thơ, tôi là em vợ của thầy Công đây". Huy Cận reo lên: "Thầy còn sống không và hiện giờ ở đâu?". Qua lời ông Hoài, nhà thơ được biết thầy Công đã mất, chỉ còn con trai thầy là bác sĩ Lưu Văn Thắng đang nghỉ hưu ở TP Hồ Chí Minh.

Ông Hoài trở về TP Hồ Chí Minh kể với anh Thắng về buổi gặp mặt nhà thơ Huy Cận hôm ấy. Ít hôm sau anh Thắng ra Hà Nội và ghé thăm nhà thơ Huy Cận. Khi chia tay, nhà thơ Huy Cận quay lại lấy tập sách ở trên giá xuống tặng bác sĩ Lưu Văn Thắng. Nhà thơ không quên ghi những dòng lưu niệm lên đầu sách "Kính tặng hương hồn thầy và gia đình". Nhà thơ tiếp: "Anh về nhà nhớ đặt tuyển tập thơ Huy Cận lên bàn thờ thầy và thắp hương hộ tôi để kính viếng thầy. Đây là món quà tinh thần của người học trò cũ đối với người thầy đầu tiên của tôi". Có cái gì rưng rưng trong cái giọng Hà Tĩnh của nhà thơ. Nhà thơ hứa sẽ có dịp đến tận nơi thờ tự thầy.

Bác sĩ Thắng đã làm y như lời dặn của nhà thơ. Hằng năm cứ đến ngày giỗ cha mình, anh Thắng lại kính cẩn đặt tuyển tập thơ Huy Cận lên bàn thờ và đồng thời mở băng ghi âm tất cả lời của Huy Cận cho cả nhà và con cháu cùng nghe.

LÊ HỒNG THIỆN(st)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quà tặng thầy của nhà thơ Huy Cận