Truyện ngắn "Cái bờ gió" của Đào Vũ

15/05/2022 07:09

Trong dịp đi cơ sở nắm bắt tình hình chia ruộng khoán cho xã viên, các nhà báo, nhà văn, nhà lý luận chúng tôi được giao nhiệm vụ xuống một số HTX nông nghiệp ở Hải Phòng.

Trong dịp đi cơ sở nắm bắt tình hình chia ruộng khoán cho xã viên, các nhà báo, nhà văn, nhà lý luận chúng tôi được giao nhiệm vụ xuống một số HTX nông nghiệp ở Hải Phòng. 

Trong đoàn có nhà văn Đào Vũ, dáng người cao lớn, nhưng đi lại rất chậm chạp và nói năng nhỏ nhẹ. Mọi người gọi ông nhỏ nhẹ đến chậm chạp quá! Ông bảo: "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau!". Nhà báo Hữu Thọ lúc đó cũng có mặt, nói: "Nhà báo phải đi trước một bước, phát hiện nhanh, phản ánh kịp thời!". Một người trong nhóm lý luận bảo: "Sao bác cũng đến muộn?". Nhà báo Hữu Thọ bảo: "Tớ biết chuyện chia khoán từ sớm, báo Nhân Dân cánh tớ đã đưa tin rồi".

Cánh nhà báo chúng tôi cùng phóng viên Báo Hải Phòng xuống cơ sở huyện Vĩnh Bảo, Kiến Thụy…  Khi tiếp cận với cơ sở, bà con xã viên phấn khởi là thực sự được làm chủ trên mảnh ruộng khoán của mình. Trên đồng bà con hỏi: "Sau cơ chế giao ruộng khoán cho xã viên rồi, thì Nhà Nước có cơ chế gì nữa các cán bộ Trung ương ơi?". Chúng tôi nhìn nhau như chưa rõ câu hỏi, một người địa phương nói cụ thể: "Bà con chúng tôi hỏi sau việc khoán này, đến bao giờ lại thay đổi, cho chúng tôi biết để an tâm?". Đoàn công tác chúng tôi nhìn nhau. Đúng là một câu hỏi chưa ai dám trả lời sau khoán là cơ chế gì. Chúng tôi như mắc nợ với nông dân từ ngày đó. Anh em làm báo chúng tôi viết bài chủ yếu phê bình tính quan liêu của Ban quản lý HTX và thiếu tinh thần làm chủ của xã viên, đó là căn bệnh phổ biến đã làm tan rã HTX.

Thời gian sau, tôi thấy báo Văn Nghệ in truyện "Cái bờ gió" của nhà văn Đào Vũ. Tôi say sưa đọc và nhận ra, nhà văn Đào Vũ đã trả lời cho bà con nông dân. Theo Đào Vũ thì những cái ô thửa ruộng khoán chỉ là nhất thời, như cái bờ ngăn chia ô thửa nhỏ đến lúc không hợp lý nó cũng bị xóa đi như cơn gió. Thực tế những năm qua các vùng quê đã thực hiện dồn ô, đổi thửa, hình thành các cánh đồng mẫu lớn cho một nền sản xuất mới trong nông nghiệp. Đúng là nhà văn đã trả lời cho nông dân một cách sâu sắc.

Sau đó có dịp tôi về Tạp chí Tác phẩm mới, gửi truyện ngắn "Chuyện nhà ông Đống".  Nhà văn Tùng Điển nhận tác phẩm hỏi sơ qua về nội dung, tôi bảo chuyện là ông Đống thời bao cấp làm bảo vệ ở cửa hàng ăn uống Kiến An, tuần nào cũng đi mua xơ mướp về rửa bát. Khi về hưu, ông bảo vợ nhượng cho một sào để ông trồng mướp, bán xơ. Vụ đầu thu hoạch gấp ba lần cấy lúa. Sau cả làng theo ông trồng mướp, dẫn đến thị trường ế thừa… Chính chuyện này tôi đã được nhà văn Đào Vũ góp ý. Ông bảo: "Một truyện ngắn của cậu có tới hai nghìn chữ, là phải ẩn chứa trong đó tư tưởng chỉ đạo. Mà tư tưởng chỉ đạo là cậu phải rung chuông cảnh báo nhắc nhở nông dân sản xuất phải gắn với thị trường!" Truyện ngắn "Chuyện nhà ông Đống" in xong, tôi chuyển thể thành kịch bản sân khấu truyền thanh "Xơ mướp hóa". Kịch này được phát dự thi, đạt giải Vàng tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 1996 ở Khánh Hòa, rồi các đài sao băng. Mỗi lần phát sóng như tiếng chuông cảnh tỉnh cho việc sản suất phải gắn với thị trường. Thành công này tôi không quên nhà văn Đào Vũ đã nhắc: "Mỗi tác phẩm văn học phải có tính định hướng chỉ đạo", cũng như truyện "Cái bờ gió "mà ông đã viết.

NGUYỄN THANH CẢI

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Truyện ngắn "Cái bờ gió" của Đào Vũ