Bút pháp triết lý “Muối mặn gừng cay” trong thơ Bùi Sỹ Hoa

13/01/2022 17:34

Đọc thơ Bùi Sỹ Hoa bạn đọc khó tìm được bài thơ nào có chất bay bổng hay những câu trữ tình mà thay vào đó là những câu thơ đậm chất triết lý, suy ngẫm như “muối mặn gừng cay”.


Những tập thơ của Bùi Sỹ Hoa

Có rất nhiều nhà thơ đã định danh trong lòng bạn đọc với phong cách và bút pháp riêng. Người thì cảm xúc thăng hoa trữ tình với những câu lục bát nhuần nhuyễn đậm chất ca dao, dân ca; người thì triết lý suy tư bằng thể thơ tự do để ký thác tâm sự của mình với tình yêu quê hương, đất nước hay chia sẻ những nỗi niềm về nhân tình thế thái…

Trong những gương mặt nhà thơ tiêu biểu ấy, có một nhà thơ xứ Nghệ có bút pháp rất riêng, cảm xúc trong thơ ông vừa sâu lắng, triết lý trong từng câu chữ, đó là nhà thơ, nhà báo Bùi Sỹ Hoa.

Bùi Sỹ Hoa quê ở huyện Đô Lương (Nghệ An) vốn là cựu sinh viên khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, đi lính rồi giải ngũ về quê làm báo đúng 30 năm. Sau đó ông lại xách va li ra Hà Nội nhận công tác mới về quản lý báo chí. Là nhà báo, nhà thơ, đi nhiều, viết khỏe lại “cày sâu cuốc bẫm” trên mảnh đất quê hương vốn sản sinh ra nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng nên thơ Bùi Sỹ Hoa mang cảm hứng chủ đạo vẫn là “quê hương nghĩa nặng tình sâu”.

Trong thơ ông một nỗi niềm chất chứa về tình cha, tình mẹ, những người bạn thuở chăn trâu cắt cỏ hay những mảnh đời bất hạnh cần sẻ chia và những ký ức tuổi thơ còn đọng mãi… Trong bài thơ "Ở quê" ông viết về nhà thơ “Thăm lúa” Trần Hữu Thung với những vần thơ giản dị như chân dung vốn có của nhà thơ:“Thơ đưa ông từ người nông dân thành nhà thơ từ Vinh ra Hà Nội rồi ra thế giới/ Còn ông, ông chọn con đường từ Hà Nội rồi về Vinh rồi về quê/ Ở quê dân dã bún- giá-cá- ruốc/ Nước vục gàu mo khỏa trần sông Bùng/ Khuya hò bên tê đồng nghe chân dùng dằng’’.

Đọc thơ của ông, bạn đọc khó tìm được một bài nào có chất bay bổng hay những câu trữ tình mà thay vào đó là những câu thơ đậm chất triết lý, suy ngẫm như “muối mặn gừng cay” đọng mãi. Trong bài thơ "Ao quê" ông viết về quê hương và tổng quát như một định lý toán học: “Trẻ tung bốn phương già lần cố hương”. Trong bài thơ "Ba câu mộng mơ" Bùi Sỹ Hoa ngẫm ngợi: “Những bó lúa những bắp ngô những hạt đỗ/ Người làm ruộng dành một phần mùa màng cho đàn chim...”. Thơ đề mộng mơ mà không hẳn mộng mơ, có gì đó chua xót trong cách nhà thơ nói về những chuyện tưởng như nhỏ mọn, ai cũng biết nhưng không ai làm, để rồi tất thảy đang từng ngày, từng ngày “ăn vào tương lai”, vay mượn của tương lai cho cuộc sống trước mắt, mòn mỏi này.

Nhà thơ suy ngẫm trong bài “Phố quê hoa gạo rụng” rằng: “Nhà nhà men lối mòn học giỏi/ Để mẹ nghèo quê đói nói năng sao”, hay nhận ra “Lối cũ thân quen người giờ phai lạt” là những đối thoại trong đời sống thường nhật để người đọc phải thừa nhận tình người đương đại dường như đang dần mất đi, không còn nồng ấm như từng thấy.

Trong bài thơ "Hàng cau", ông viết về người cha thân yêu nhưng chính là trải lòng mình với mảnh đất miền Trung quê hương yêu dấu với những vần thơ rưng rưng: “Hàng cau cha trồng từ năm nào không ai nhớ/ Từ lúc nào con nghe rõ lòng cây nhựa dâng/ Nuôi xanh những chùm quả/ Từ mảnh đất thân gầy đứng thẳng”.

Vẫn nguyên vẹn cảm xúc ấy, khi ông viết về người mẹ với những câu thơ rất giản dị, mộc mạc như lời nói thường nhật mà nghe sao quặn thắt: “Mẹ kể, cái thời rau không kịp ra lá/ Khoai chưa kịp bột, sắn chưa heo về/ Thế mà bố làm thơ, con thi học sinh giỏi/ Liên hoan cả nhà mấy tấm bánh đa”.

Một lần chia sẻ với công chúng yêu thơ trên truyền hình, ông khẳng định, công việc của nhà báo và nhà thơ tuy hai mà một, luôn bổ sung cho nhau, cùng là cảm hứng sáng tạo nhưng thể hiện trong thơ cần phải có bút pháp riêng, để có những câu thơ “gạn đục khơi trong” đáng đọc, đáng nhớ.

Trong bài "Ghi chép của một nhà báo" với bố cục gọn, tổng kết hẳn 6 phận người như khắc họa bằng bút, câu thơ buông như người đàn ông khóc khan: “Nhà thương Anh Sơn có một con đường sạch thoáng/ Đó là đường vào nhà xác/ Ngày ngày cụ già vừa đấm lưng vừa quét rác/- Chỗ này buồn quá, thưa cụ?/ Tôi quen nơi này đến mức/ Không vui cũng không buồn!”. Những phận đời khác trong ghi chép của thơ như một xã hội thu nhỏ, là đời sống nhàm chán, nhạt thếch của một cuộc hôn nhân, là bà mẹ già cũng “chung thân” thăm nuôi con tù tội...

Thơ Bùi Sỹ Hoa kiệm chữ, như chỉ có im lặng, bất chợt nghe đối thoại của hai người ngang qua đâu đó. Mỗi phận đời không chỉ ghi chép, mà thơ đã neo lại sự ngậm ngùi, ám ảnh về những người thường, sự việc bình thường rất dễ bị bỏ qua trong đời sống thường nhật.

Văn học là nhân học, đúng thế. Thơ Bùi Sỹ Hoa nghiêng về nội tâm, bút pháp bình dị. Đó là cách viết mà như không viết, như đời sống vốn thế thì thơ hắt lên vệt sáng như vậy. Bùi Sỹ Hoa đã dồn nén từng câu chữ tưởng như bình thường, quen thuộc như ngôn ngữ thường ngày để tạo nên những áng thơ tự đáy tim rạo rực cất lời.

Là một nhà báo chuyên nghiệp nhưng Bùi Sỹ Hoa rất chung thủy với thơ ca, năm 2007 ông đã vinh dự được kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam. Hơn 40 năm làm báo, làm thơ, đến nay ông đã có một gia tài đồ sộ với 6 tập thơ gồm: Có một nỗi niềm, Trái mùa hoa, Mạng nhện vu vơ, Mắt người thăm thẳm, Thiên nhiên cá tính như em, Tìm về im lặng. Nhà thơ Bùi Sỹ Hoa đã bốn lần được Giải thưởng Hồ Xuân Hương và Giải thưởng Tạp chí Văn nghệ Quân đội. 

NGUYỄN VIẾT HIỆN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bút pháp triết lý “Muối mặn gừng cay” trong thơ Bùi Sỹ Hoa