Tiếng ve gọi hạ

15/05/2017 08:43

Đêm qua trời đổ cơn mưa lớn như muốn báo cho mọi người biết rằng thời tiết đã chuyển mùa. Mùa xuân đã hết. Mùa hạ bắt đầu. Sáng ra trời trong như ngọc, từng đám mây trắng nhàn tản bay tít trên cao. Cây lá sạch bong cùng mọi nẻo đường. Chim hót ríu ran. Có cái gì rất lạ. Tháng giao mùa xuân hạ thường có những ngày ảo huyền như thế. Bởi vậy cái nắng đầu mùa hạ cũng đáng yêu làm sao. Một không khí thanh bình hiện lên từ tiếng động trong nhà đến tiếng chổi tre của chị lao công. Tất cả đều nhẹ nhàng bình dị. Những bông hoa gạo nở đỏ chói nơi công viên như đốt cháy không gian. Con ve sầu bắt đầu bài ca muôn thuở.

Tôi ra ở phố nhiều năm, thi thoảng mới được nghe tiếng ve tiếng dế dưới mái bê tông tầng tầng lớp lớp. Trong ký ức lại chợt nhớ những buổi trưa, buổi chiều cùng lũ bạn thuở ấu thơ rủ nhau đi bắt ve sầu. Bắt được ve rồi chúng tôi chẳng biết làm gì ngoài việc lấy ngón tay ấn mạnh vào ức nó, bắt nó phải kêu. Tiếng kêu chắc cũng khác lúc nó còn tự do. Lũ trẻ chúng tôi không cần biết, cứ thi nhau xem ve của đứa nào kêu to hơn, dài hơn. Thân thể ve sầu mảnh mai yếu ớt nhiều khi bị ấn đến bẹp ngực. Thế là chết.  Lại có một "đám ma" cho chú ve xấu số. Cũng kèn trống cờ lau, cũng khóc lóc tiếc thương. Tất nhiên chỉ giả vờ thôi.

Cái nắng tháng tư dễ làm cho mệt mỏi. "Nắng mới mà". Người ta nói với nhau như vậy. Dường như để động viên. Cái gì mới mà chẳng như thế. Tiếng ve ban đầu kêu còn thưa thớt, sau rền rền không ngớt. Lớp nọ vừa dừng lớp sau nối tiếp. Nhiều người bực. Nhất là vào buổi trưa lúc ta thiu thiu ngủ. Nhưng nghe mãi thành quen. Hôm nào vắng tiếng ve tự nhiên cảm thấy đất trời yên ắng đến ngỡ ngàng. Nào mấy ai thương xót đến kiếp nhọc nhằn của "người nghệ sĩ lang thang". Từ  lúc bắt đầu là con ấu trùng chui sâu dưới đất đen đến khi mạnh chân khỏe tay, biết múa may ca hát, nó phải "tu luyện" mất bốn năm ròng. Thế mà cuộc sống trên dương trần lại không quá hai tháng. Không bằng kiếp sống của con cua con cá. Thương quá! Ngay cách chết của con ve sầu cũng lạ kỳ. Khi thấy mình không có ích nữa, nó đậu trên cành cao, buông chân lao thẳng đầu xuống đất. Khỏi phiền lụy bầy đàn.

Tiếng ve không sang trọng không quý phái như chim họa mi. Nhưng nó lại mộc mạc chân chất như người quen cầm cày cầm cuốc. Và thật thà như cây lúa củ khoai. Có thể tiếng ve nơi nào cũng như nhau. Mặc. Chúng tôi tin rằng tiếng ve nơi đồng vọng quê mình vẫn đằm thắm dịu dàng hơn bất kỳ nơi nào trên Trái Đất này. Hỡi ôi. Cái lòng thương nhớ của kẻ xa quê da diết quá. Thành thử nhiều cái với người ngoài chả là cái gì, mà với mình lại thành kỷ niệm khó phai.

 Ngày xưa đời sống còn vất vả cũng chẳng ai ăn con dế con ve. Nó chỉ là đồ chơi của lũ trẻ làng. Người lớn đi làm đồng vồ được con ve con dế, mang về buộc chỉ cho con nhỏ. Nếu nhiều thì lũ gà lũ vịt được một bữa "cải thiện". Không ai ngờ đến hôm nay nó lại là món đặc sản trong các nhà hàng sang trọng. Người ta sẵn sàng bỏ ra tiền triệu tiền trăm để ăn một đĩa dế đĩa ve bằng bàn tay. Người ta tin rằng ăn con ve chữa được rất nhiều bệnh. Ở đâu đó trong phía Nam nghe nói còn có cả một công ty nuôi dế. Mà ăn như thế chắc gì đã ngon hơn con châu chấu, con nhộng tằm rang nhạt.

Tháng tư yêu dấu ơi. Chả biết mùa hạ gọi con ve con dế hay tiếng kêu râm ran của chúng gọi mùa hạ về? Trong không khí lắng đọng yên tĩnh của đêm trăng, tiếng côn trùng rỉ rả cất lên, sao thấy yên ấm thanh bình lạ thường.

 Tản văn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN


(0) Bình luận
Tiếng ve gọi hạ