Mùa xuân của mẹ tôi

15/05/2022 07:01

Quê nội tôi ở Thái Bình, đất chật người đông. Năm 1958, ông nội tôi cùng đồng đội chuyển từ quân đội sang xây dựng nông trường trồng cánh kiến tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Minh họa: PHÙNG BẢN

Quê nội tôi ở Thái Bình, đất chật người đông. Năm 1958,  ông nội tôi cùng đồng đội chuyển từ quân đội sang xây dựng nông trường trồng cánh kiến tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Vì thế, ông nội tôi định cư luôn trên đó cho tới tận thế hệ chúng tôi. Vài năm đầu ông nội tôi còn về thăm quê, sau thưa dần rồi thôi hẳn. Lý do thì có nhiều nhưng chủ yếu là ngày ấy tầu xe quá vất vả cũng như kinh tế cực kỳ khó khăn. Ngay như bố tôi cũng chưa được một lần về thăm quê.

Mẹ tôi lấy bố tôi năm mẹ gần 30 tuổi, hơn bố tôi 2 tuổi. Một cuộc sống bình dị trong căn nhà của năm người gồm bố mẹ chồng, hai vợ chồng và cô em chồng. Mẹ tôi chỉ mong gia đình yên ổn, nuôi con khôn lớn nên người. Cái ước mơ của người đàn bà vùng cao thật giản đơn, dẫu mẹ tôi là người Kinh. Mẹ tôi là người phụ nữ đảm đang, giỏi công việc ruộng nương và nhẫn nhịn. Nhờ vào sự chịu khó chắt chiu cũng như sự tính toán cẩn thận nên kinh tế gia đình tạm ổn. Ông bà nội tôi thương yêu mẹ nhất mực. Ông bà tự hào mỗi khi có ai nhắc đến mẹ tôi. Khác hẳn với cô Bình, em ruột bố tôi. Từ ngày mẹ tôi về làm dâu, cô Bình chẳng chịu mó tay vào việc nhà. Hai mươi tuổi chứ còn ít ỏi gì đâu. Ông bà nội tôi thường than phiền về cô Bình. Một lần ông nội tôi nói với cô Bình: “Lớn rồi con gái à, chị dâu con một mình bao nhiêu là việc lại còn phải chăm bẵm con nhỏ. Về đến nhà chẳng lúc nào ngơi tay”. Cô Bình lườm bố mẹ một cái, nói ráo hoảnh: “Làm dâu thì phải thế”. Ông nội tôi lặng người giây lát rồi bảo: “Mày nói thế mà nghe được? Con Hiền chịu lấy anh mày là phúc đức ba đời cho nhà mình rồi đó. Nó lăn mình vào làm đủ mọi việc. Mày không thấy nó vất vả sao?”.

Nghe ầm ĩ trên nhà, bố tôi đẩy chiếc xe lăn lên. Bố tôi bị mắc bệnh não từ nhỏ. Chạy chữa khắp nơi nhưng cuối cùng di chứng vẫn làm ông liệt hai chân và phải ngồi trên xe lăn. Bố tôi nhỏ nhẹ: “Anh may mắn có được người vợ xem như là hạnh phúc nhất đời. Cô ấy chịu rất nhiều thiệt thòi. Nhìn những cặp đôi dìu nhau đi dự lễ hội, đi chợ phiên mà anh thèm phát khóc”. Cô Bình im lặng không nói. Ông nội tôi lẩm bẩm: “Đồ mất nết”. Bố tôi đấy chiếc xe lăn ra sát cửa sổ, mắt nhìn những ngọn núi xa xăm vẻ trầm tư. May mà lúc này mẹ tôi đang ở trên nương nên không nghe được những lời đầy tổn thương của cô Bình.

Năm tôi lên 4 tuổi, mẹ tôi sinh em Lê. Cùng năm đó cô Bình đi lấy chồng. Từ đó vợ chồng cô rất ít khi về thăm bố mẹ. Ông nội tôi bảo: “Nó cũng còn phải cáng đáng công việc nhà chồng. Hãy cảm thông cho nó”.

Mọi việc tưởng như cứ thế thuận chiều mà đi lên. Nào ngờ năm em Lê lên 4 tuổi lại mắc một căn bệnh lạ. Người cứ gầy quắt queo, sức khỏe giảm sút một cách tệ hại. Mẹ tôi đưa em Lê đi hết bệnh viện huyện rồi lên tỉnh. Ở đâu người ta cũng lắc đầu: “Chưa phát hiện ra bệnh gì”. Ngày ấy nền y khoa của ta còn sơ khai lắm. Bệnh viện tỉnh giới thiệu về Hà Nội. Khổ thân bố mẹ tôi sấp ngửa chuẩn bị tiền. Nghe nói ở Hà Nội cái gì cũng đắt đỏ. Bố tôi tiễn mẹ tôi và em Lê ra tận cổng, dặn dò: “Mẹ con mình đi cẩn thận nhé. Đi nhanh về nhanh cho cả nhà đỡ nóng ruột”. Mẹ tôi bảo: “Dạo này sức khỏe ông bà nội nghe chừng không ổn lắm, anh phải hết sức lưu ý. Thằng Ban cũng làm được khối việc đấy. Em sẽ cố gắng về sớm”.

Một tuần sau mẹ tôi trở về. Mẹ tôi xô cửa chạy thẳng vào trong nhà, ngồi bệt xuống đất nức nở. Bố tôi đang cuốc đất ngoài vườn vội vã đẩy xe vào hỏi: “Mình làm sao thế? Con Lê đâu?”. Mẹ tôi nước mắt lưng tròng: “Em để lạc mất con Lê rồi, anh ơi”. Bố tôi ngồi bần thần một lúc. Mãi sau ông mới nói: “Mình kể cho tôi nghe xem nào”. Mẹ tôi vừa kể vừa khóc: “Hai mẹ con vào đến Bệnh viện Nhi Trung ương, người đông nghìn nghịt. Vừa buông tay con ra lấy giấy giới thiệu nộp cho phòng khám, quay lại chẳng thấy con đâu. Hoảng hốt bổ đi tìm suốt hai ngày không thấy. Hết tiền nên phải về”. Kể xong mẹ tôi khóc to hơn. Ông bà nội cùng bố tôi khuyên: “Bình tĩnh, chuyện đâu khắc có đó. Cuống lên chẳng giải quyết được gì”. 

Đúng vào dịp ấy gia đình tôi rơi vào khó khăn chưa từng thấy. Có đồng nào đã đưa hết cho mẹ tôi mang đi chữa bệnh cho em Lê rồi. Nay tiền hết, em Lê đi lạc. Giờ muốn vay cũng khó. Xung quanh làng xóm đều thế cả. Bố tôi bảo: “Mình nghỉ ngơi vài ngày lấy sức rồi ta tính”. Nhìn người chồng lo âu và bất lực, mẹ tôi đứng dậy: “Em có cách”. Hôm sau mẹ tôi bán tất cả những gì có thể bán được để lấy tiền đi tìm em Lê. Chiều muộn mẹ gọi tôi vào dặn dò: “Mẹ đi tìm em Lê. Con là trai phải dũng cảm không được khóc. Đi học về phải ở nhà giúp ông bà và bố”.

Dưới cái nắng khủng khiếp của Hà Nội, những bước chân trần mệt mỏi của mẹ tôi cứ đi hết con phố này đến con phố khác. Trạm công an nào cũng vào hỏi thăm với niềm tin mong manh, rồi lại thất thểu bước ra cùng nỗi buồn vời vợi. Gặp bất cứ ai mẹ tôi cũng hỏi thăm về đứa con gái bé bỏng của mình. Những cái lắc đầu ái ngại. Có hôm trời đổ mưa, phố xá rét buốt như giữa mùa đông, mẹ tôi ngồi co ro dưới gầm một cây cầu vượt hai tay ôm lấy chân, đầu gục xuống như bóng ma chập chờn. Có người đi qua nhìn thấy động lòng trắc ẩn dúi cho cái bánh mỳ, chai nước lọc. Mẹ tôi cảm ơn và nhận như một kẻ ăn mày.

Gần một tháng sau mẹ tôi trở về một mình với tấm thân tàn úa. Cũng từ hôm đó bố tôi ít nói hẳn. Cốc rượu của bố ngày một to và đầy hơn. Những giây phút cần yên tĩnh bố tôi xách cái điếu cày ra sau vườn. Ông ngồi đó một mình với chiếc xe lăn. Rồi ông ngửa mặt lên ngọn cây me chua, thở khói mù mịt. Cây me chua này ông bà nội tôi trồng từ năm được chia đất dựng nhà. Hồi em Lê còn bé, mỗi lần khóc nhè là bố tôi kiệu em lên cổ cho vặt lá me chơi đùa. Thế là em nín ngay.

Mùa đông năm ấy rét nhiều, rét đậm. Lá me rơi rụng xuống mái nhà lớp lớp. Lá me thối, lá cọ lợp cũng thối theo. Chẳng hiểu sao năm ấy lại mưa nhiều đến thế. Nhà dột tứ tung. Bao nhiêu thau nồi đều mang ra hứng nước. Ông nội tôi già yếu không còn sức leo lên mái nữa. Mỗi năm mẹ tôi dành ra vài tháng mê mải đi tìm em Lê. Nghĩa là bao nhiêu vốn liếng góp nhặt được trong một năm mẹ tôi dồn vào công cuộc tìm kiếm. Việc cái mái nhà dột chưa đủ sức lôi mẹ tôi lên chữa dột. Cái mặc cảm để mất con khiến mẹ tôi như khỏe ra. Không tìm thấy em Lê nhưng mẹ tôi không tuyệt vọng. Niềm tin ấy đã giúp bà đứng vững. Có lần lâu quá không thấy mẹ về, tôi hỏi: “Sao mẹ con đi lâu thế hả bố?”. Bố tôi ghì chặt lấy tôi, mắt ứa lệ: “Ban ngoan nào. Mẹ con đang đi tìm em Lê. Đừng nhắc nhiều mẹ nóng ruột”.

Hai mươi năm trôi vèo. Mọi tin tức về em Lê vẫn biền biệt. Những năm về sau mẹ tôi ít xuống Hà Nội. Thi thoảng tôi thấy mẹ đứng lặng nhìn ảnh em Lê khóc một mình. Mẹ tôi vẫn không quên đứa con bé bỏng. Mẹ tôi già nhanh một cách khủng khiếp. Khóe mắt nhăn nheo lớp nọ chồng lớp kia, mái tóc không còn sợi nào đen. Cái lưng mẹ còng gập theo sức nặng của gùi ngô, gùi thóc. Nỗi niềm ân hận cứ dày vò tâm can mẹ tôi. Ông bà nội cũng như bố tôi phải luôn an ủi động viên: “Mình hãy tin rằng con Lê sẽ được bình yên. Rồi một ngày nào đó nó sẽ trở về mạnh khỏe. Hãy tin như thế mà sống”. Mẹ tôi im lặng gật đầu.

Một ngày đầu đông bất chợt em Lê tìm về thật. Ngơ ngác và lạ lẫm. Em phải hỏi thăm nhiều lần mới tìm được về nhà cũ. Hai mươi năm là chặng đường đủ dài để quê hương thay da đổi thịt. Không còn những ngọn đèn dầu leo lét, nhà nhà đã có ti vi, loa đài. Tuy vậy vẫn còn nhiều khó khăn bộn bề mỗi lần lũ ống lũ quét tràn qua. Em Lê tôi bây giờ khác quá. Giàu có và sang trọng, ít nhất là vẻ bên ngoài. Em bước tới nắm bàn tay gầy guộc trơ xương như chứa đựng bên trong toàn sóng gió của mẹ. Em kể rằng ngày bị lạc được một gia đình nhân hậu cưu mang chạy chữa rồi nhận làm con nuôi. Bố mẹ nuôi cho ăn học đến nơi đến chốn. Mấy năm trước em được bố mẹ nuôi kể lại chuyện xưa. Vốn là cán bộ ngành công an, lại được sự giúp đỡ của bè bạn cùng ngành nên em nhanh chóng tìm ra quê hương cũng như bố mẹ đẻ của mình. 

Đêm ấy cả nhà tôi gần như thức trắng hỏi chuyện em Lê. Từ lúc xác định đây đúng là em Lê, mẹ tôi như trút bỏ được gánh nặng. Cứ lúc nào ngơi tay là mẹ lại kể cho con gái nghe tuổi thơ của nó. Rồi mẹ lại chép miệng than thở về những thua thiệt mà nó phải chịu trong những ngày lưu lạc.

Chiều qua tôi thấy em lang thang đi khắp các con đường trong bản. Em ra gốc cây me chua đứng nhìn. Chắc nó đang nhớ về tiếng võng đưa kẽo kẹt dưới gốc me. Những ngọn gió từ sông Mã mát như quạt điện ru nó ngủ say. Tôi cứ tưởng tượng ra toàn những điều tốt đẹp như thế. Hóa ra không phải. Nó chê nhà bẩn, chê đèn điện gì mà tối mò như đèn dầu dưới xuôi, chê cây me chua chẳng có giá trị gì, trồng chỉ tốn đất. Nó nhăn mặt khi bưng bát mèn mén ăn với cá suối kho mặn. Nó đã quên hết tất cả mọi thứ rồi sao? Thi thoảng nó lại bảo tôi: “Sống nơi thành phố sướng lắm, anh Ban ạ”. Ngay cả cái tin ra Tết tôi sẽ cưới vợ cũng chỉ khiến nó buông ra hai tiếng: “Thế à”. 

Em ở lại với gia đình chưa đầy hai ngày rồi trở lại thủ đô: “Công việc của con bận lắm”. Em Lê chia tay với gia đình không một lời hẹn. Hôm nó đi, mẹ tôi đứng tựa vào gốc me già nước mắt chảy dài. Ông bà nội tôi ngồi im như pho tượng trên tấm phản cũ kê ở giữa nhà. Bố tôi đẩy cái xe lăn ra tận bậu cửa nhìn theo như vừa rơi mất vật gì quý giá. Thế là em Lê lại ra đi chẳng biết đến khi nào trở lại. Nhìn bàn chân bước gấp gáp như chạy trốn khỏi nơi đèo heo hút gió của nó mà tim tôi trĩu nặng một niềm đau.

Những cánh lá me khô bay bay trong một chiều lộng gió rơi phủ đầy đầu mẹ tôi. Ngoài kia những cánh chim cần mẫn đi kiếm mồi. Tôi thầm nghĩ: “Rồi em Lê cũng như cánh chim ấy thôi. Đủ lông đủ cánh là bay đi tìm chân trời mới”.

Cuộc sống đôi khi có nhiều bất ngờ xảy ra. Qua Tết chừng hơn một tháng em Lê bất chợt trở về cùng cái va li to. Nó ôm chầm lấy mẹ, thầm thì: “Con nhớ mẹ lắm. Con đã suy nghĩ và quyết định rồi, cũng được sự đồng ý của bố mẹ nuôi con nữa. Con sẽ chuyển công tác về đây ở với ông bà nội, với bố mẹ và anh Ban”. Mẹ tôi cười rạng rỡ. Hơn hai chục năm rồi tôi mới thấy mẹ cười.

Mùa xuân của mẹ tôi thực sự đã trở lại.

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa xuân của mẹ tôi