Người đợi

14/05/2023 09:16

Ngày ở chiến trường anh cũng yêu đấy. Người yêu của anh tên là Mai. Mai của anh có mái tóc dài ơi là dài. Bọn anh hẹn hò, hết chiến tranh sẽ gặp nhau ở chợ Nhị Giang...

Minh họa: HUY CHƯƠNG

Ở chợ Nhị Giang, từ già đến trẻ ai cũng gọi ông Phùng là anh, mặc dù ông Phùng đã ngoài sáu mươi. Năm mười bảy tuổi, anh Phùng lấy mảnh chai cứa tay lấy máu viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Thầy anh van nài:

- Phùng ơi, con thi tốt nghiệp lấy cái bằng cấp ba đã rồi muốn đi đâu thì đi.

U anh khóc lóc:

- Con ra chiến trường nơi hòn tên mũi đạn, nhỡ có làm sao thì nhà mình lấy ai nối dõi tông đường, rồi mai kia thầy u biết nương tựa vào ai?

Anh Phùng dõng dạc bảo thầy u:

- Đất nước đang có chiến tranh, trai tráng như con làm sao yên tâm học hành được. Thầy u cứ yên tâm mai kia hoà bình con về đi học lấy bằng cho thầy, lấy vợ đẻ năm sáu đứa con cho u. Mấy lại u ơi, có phải người nào ra trận cũng trúng mũi tên hòn đạn đâu!

Anh Phùng to cao, khỏe mạnh nên được tuyển vào đặc công. Sau một thời gian huấn luyện, đơn vị anh nhận lệnh ra mặt trận. Được nghỉ ngơi một ngày, anh Phùng cắm đầu cắm cổ chạy mấy chục cây số về nhà chào thầy u. U anh bảo:

- Để u bắt con gà làm thịt.

Anh gạt phắt đi:

- Không kịp đâu u ạ.

Anh bảo thầy:

- Sách vở của con, thầy gói ghém, cất đi cho con nhá.

Mặc cho u anh nước mắt đầm đìa, chào thầy u xong, anh Phùng dứt khoát chạy ra đường. Thầy anh đi mượn được cái xe đạp, đạp đuổi theo mấy cây số mới gặp. Hai thầy con thay phiên lai nhau chạy như bay đến đơn vị.

Anh Phùng đi một lèo không tin tức, không thư từ gì. Ở nhà, thương nhớ, lo lắng cho anh mà thầy u anh héo hắt. Qua năm 1976 vẫn không tin tức gì, thầy u anh đinh ninh rằng anh đã hy sinh, đã mấy lần định lấy ngày anh đi B làm ngày giỗ. Thế nhưng đầu năm 1980, anh Phùng đột ngột trở về từ một trại điều dưỡng dành cho thương binh nặng. Thầy u anh chưa kịp mừng thì nỗi lo sợ đã ập đến, anh Phùng bị đạn địch găm vào đầu tổn thương sọ não, anh không còn như ngày trước. Thầy anh thở dài:

- Thế thì còn hy vọng gì việc học hành nữa.

U anh lại đầm đìa nước mắt:

- Như thế này ai người ta dám lấy.

Ở nhà, suốt ngày anh Phùng chạy nhảy, nô đùa với lũ trẻ con trong xóm. Lúc anh cười khanh khách, khi anh khóc tu tu. Nhiều lúc anh ôm chặt cái điếu cày, mồm hét to: “Xung phong… Xung phong…”. Ở nhà được một thời gian, bỗng một hôm anh bảo thầy u:

- Con phải ra thị trấn Nhị Giang.

Thầy anh hỏi:

- Từ làng mình ra đấy hơn năm mươi cây số, con ra đấy làm gì?

Anh Phùng thì thào vẻ bí mật:

- Con hẹn Mai ở đấy!

U anh hỏi:

- Mai nào?

Anh Phùng đưa ngón tay trỏ ở bàn tay phải lên môi “suỵt” một tiếng. Thầy u anh nhìn nhau rưng rưng. Anh Phùng lặng lẽ nhặt quần áo, nhét tất cả vào cái ba lô con cóc, rồi ra đường đến thị trấn Nhị Giang.

Những tưởng anh chỉ đi vài ba hôm, ai dè gần tháng chẳng thấy về, thầy u anh lo lắng, đi tìm. Đến thị trấn, gặp anh đang lang thang ở chợ Nhị Giang. Họ nài nỉ khuyên anh về, nhưng anh không chịu, cứ khăng khăng:

- Mai bảo con phải chờ Mai ở chợ Nhị Giang này.

Thương con, thầy u anh bán đi già nửa đất đai, vườn tược ở quê, dồn hết tiền bạc tích lũy bao năm, mua được một căn nhà nhỏ gần chợ Nhị Giang để anh khỏi ngủ ở xó chợ, gầm cầu. Những năm đầu thầy u hoặc vài người anh em họ hàng thỉnh thoảng còn ra thị trấn chăm nom anh dăm ngày. Từ ngày thầy u mất, anh Phùng sống một mình ở đây.

Khi chợ Nhị Giang bước vào thời kỳ buôn bán sầm uất, anh Phùng ra chợ làm thuê. Thôi thì “thượng vàng hạ cám”, gì người ta chỉ cần ới một tiếng anh Phùng đã có mặt. Tuy tính có thất thường, song anh Phùng còn khỏe, lại chịu khó, hơn nữa về khoản công xá không coi trọng, làm cho ai việc gì, họ đưa cho bao nhiêu, anh chỉ toe toét cười.

Ở chợ Nhị Giang ai cũng muốn nhờ anh làm việc này, việc nọ. Những tiếng gọi: “Anh Phùng ơi, quẩy cho tôi gánh nước!”, “Anh Phùng ơi. Ô tô hàng về rồi hộ tôi với!”, “Anh Phùng ơi, xếp chỗ hàng này vào góc kia cho tôi nào!”…

Tuy nhiên, hồi đầu người nhờ anh cũng rất bực mình. Đang làm, bỗng dưng anh bỏ dở việc, để chạy đuổi theo một người phụ nữ tóc dài nào đó. Đến bên, anh nắm chặt tay họ, hớn hở reo lên như một đứa trẻ:

- Mai! Anh đợi em mãi.

Sau đó anh sững sờ, đôi mắt thất thần, mặt mày đỏ lên vì xấu hổ, mồm anh lí nhí: "Tôi… xin lỗi… nhầm…”.

Anh Phùng là người trung thực vậy nên anh rất ghét người giả dối và bọn trộm cắp. Biết điều đó, lại biết trước đây anh là lính đặc công, giỏi võ, Ban Quản lý chợ Nhị Giang mời anh ký hợp đồng làm bảo vệ chợ ban đêm.

Buổi tối, anh mặc bộ quân phục cũ, thắt lưng to bản, hông đeo lủng lẳng một cái bi đông nước, chân xỏ giầy “cô sơ gin”, tay cầm đèn pin, hùng dũng đi tuần tra quanh chợ. Nhìn thấy anh, bọn lưu manh, trộm cắp hay bọn nghịch ngợm, quậy phá đều sợ chết khiếp.

Một tối nọ có đôi trai gái trẻ không hiểu bằng cách nào lại vào được trong chợ để tâm sự. Họ yên tâm vì ban đêm chợ vắng vẻ, an toàn, tha hồ tự do âu yếm. Thế nhưng đôi trẻ đang gửi cho nhau những nụ hôn nồng nàn, thì bắt gặp ánh đèn pin loang loáng của anh Phùng. Đôi trai gái cuống cuồng bỏ chạy. Anh Phùng ngỡ bọn trộm, đuổi theo ráo riết. Biết không chạy thoát, đôi bạn trẻ đứng lại, xin anh tha cho. Anh Phùng trợn mắt la lên:

- Không phải trộm cắp à. Là yêu nhau à. Yêu nhau tội tình gì phải chạy - rồi anh Phùng nở một nụ cười - Ngày ở chiến trường anh cũng yêu đấy. Người yêu của anh tên là Mai. Mai của anh có mái tóc dài ơi là dài. Bọn anh hẹn hò, hết chiến tranh sẽ gặp nhau ở chợ Nhị Giang, mấy chục năm rồi, anh vẫn đợi Mai đấy. Nói xong, anh Phùng vỗ vai  chàng trai:

- Hai đứa cứ ở đây yêu nhau, khi nào về gọi anh mở cổng cho, đừng trèo tường, nguy hiểm đấy.

Hôm sau, dân chợ Nhị Giang hỏi nhau xem có ai biết cô Mai là con cái nhà ai không? Cô ấy là bộ đội hay thanh niên xung phong? Vào chiến trường năm nào? Rồi thi nhau phán đoán rằng ở chiến trường có lẽ anh Phùng và cô Mai yêu nhau tha thiết lắm. Rằng họ đã có một lời hẹn ước thiêng liêng, chả thế mà anh Phùng đã bỏ quê đến chợ Nhị Giang chờ đợi cô Mai mấy năm nay.

Thi thoảng cũng có người đến chợ Nhị Giang tìm anh Phùng. Phần lớn là đồng đội cũ hoặc thương binh đã từng ở với anh trong các trại điều dưỡng. Có lần cán bộ trại điều dưỡng nơi anh Phùng đang điều trị đi ô tô đến đón anh về, nhưng anh Phùng nói với họ, giờ đầu óc anh tỉnh táo, minh mẫn, khỏe mạnh, không cần về trại điều dưỡng nữa, tiêu chuẩn, chế độ của anh nhường cho các đồng đội bị nặng hơn. Mỗi lần có người đến chợ tìm mình, anh Phùng vui như đứa trẻ được quà, anh hồn nhiên cười nói, hát hò ầm ĩ. Rồi anh đưa khách vào hàng ăn uống no say mới thôi.

Trong số những người về chợ Nhị Giang với anh có một vị tướng. Ông là người về đây đã nhiều lần. Gặp vị tướng lần nào anh Phùng cũng đứng nghiêm, giơ tay chào, dõng dạc nói:

- Báo cáo thủ trưởng, tôi vẫn đợi chờ đồng chí Mai ở đây!

Vị tướng đưa anh Phùng lên xe, chở anh đi đâu, làm gì không ai biết. Có hỏi anh Phùng cũng không nói. Mỗi lần đi với vị tướng về anh Phùng lại buồn rười rượi.

Mùa hè năm ngoái, chợ Nhị Giang xảy ra một vụ hỏa hoạn. Khói lửa bốc cháy ngùn ngụt. Cả chợ nhốn nháo. Giữa khói lửa, anh Phùng như một mãnh tướng “tả xung hữu đột”. Khi anh Phùng xông vào một gian hàng đưa một chị tiểu thương khuyết tật ra ngoài, vừa cứu được chị, anh bị một mái tôn nóng bỏng rơi xuống. Mặc dù đã tránh nhưng không kịp. Anh Phùng bị bỏng nặng, lực lượng cứu hộ phải khẩn trương đưa anh đi cấp cứu. Vài hôm sau, vị tướng về thăm anh, mặc dù bị băng bó kín người chỉ hở mỗi cái mặt, vậy mà anh vẫn lắp bắp:

- Báo cáo thủ trưởng, dù có xảy ra gì đi chăng nữa em vẫn quyết tâm chờ bằng được đồng chí Mai.

Vị tướng gật đầu, ông quay ra nói với những người dân chợ Nhị Giang đang vây quanh giường anh Phùng:

- Cô Mai là y tá ở bệnh xá sư đoàn chúng tôi. Trong một trận đánh, cậu Phùng bị thương nhưng không nặng bằng vết thương vào sọ não sau này. Cậu Phùng đã được cô Mai hết lòng chăm sóc. Rồi tình yêu đến với họ như một quy luật tất yếu hoặc như một sự sắp đặt trước của duyên phận. Trước lúc xuất viện trở lại chiến trường, họ đã hẹn ước gặp lại nhau ở chợ Nhị Giang, thuộc thị trấn Nhị Giang là quê hương của cô Mai. Nhưng lời hẹn ước đó sẽ vĩnh viễn chỉ là lời hẹn ước. Bệnh xá sư đoàn bị trúng bom của địch và cô Mai đã anh dũng hy sinh.

Mọi người đều lặng đi. Nhiều chị em sụt sùi. Vị tướng nén lại cơn xúc động, sau đó ông nhẹ nhàng nói:

- Mỗi lần về chợ Nhị Giang gặp cậu Phùng, tôi đều đưa cậu ấy đến nghĩa trang liệt sĩ của huyện viếng mộ cô Mai. Nhưng lần nào cậu ấy cũng khăng khăng: “Không! Không thể nào! Mai vẫn còn sống. Mai vẫn còn nhớ lời hẹn ước năm xưa để trở về với em. Em cứ đợi Mai ở chợ Nhị Giang!”.

Truyện ngắn của NINH ĐỨC HẬU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người đợi