Danh nhân Hải Dương tuổi Hổ

01/02/2022 13:30

Trong lịch sử Việt Nam, nhiều người tuổi Hổ (sinh năm Dần) quê Hải Dương đã trở thành danh nhân nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực.



"Võ tướng” nổi tiếng

Theo một số thần tích, Đông Hải đại vương Đoàn Thượng, sinh năm Nhâm Dần (1182), quê làng Thung Độ, Hồng Châu, nay thuộc xã Đoàn Thượng (Gia Lộc). 

Ông là chủ soái sứ quân họ Đoàn ở Hồng Châu, võ tướng có công giúp nhà Lý dẹp loạn. Ông nổi tiếng là dũng sĩ, có sức khỏe phi thường, quân giặc nghe tên ông đã sợ.

Là người có tính khí ngang tàng, không chịu khuất phục, khi vị vua cuối cùng của nhà Lý thoái vị, Đoàn Thượng khước từ mọi tước lộc mà nhà Trần dành cho để giữ đất Hồng Châu và giữ trọn tiết nghĩa với nhà Lý.

Sau khi mất, ông được người dân lập miếu thờ làm Phúc thần, mở hội đền vào ngày 11.4 âm lịch hằng năm. Nhà Trần cũng truy phong ông là Bảo quốc hộ dân nhất đẳng thần. Tên của ông được đặt cho một tuyến phố ở TP Hải Dương, một xã ở huyện Gia Lộc hiện nay.

Làm rạng rỡ uy danh của người Việt

Một số tiến sĩ Nho học tuổi Hổ ở Hải Dương thể hiện tính ngang tàng được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đầu tiên phải kể đến Thừa chánh sứ Đồng Hãng, sinh năm Canh Dần 1530, người thôn Lý Dương, xã Nhân Huệ (TP Chí Linh).

Khi tham gia kỳ thi Thái học, khác với các thí sinh, ông làm 2 bài phú, vì ông cho rằng đầu bài thi là “Trùng tu Quốc tử giám phú”. Cậy là người có tài, trong văn chương, ý ông viết thường có “đánh đố” thiên hạ. Vì thế, dân gian truyền tụng câu “Chí Linh Trạng bản, phi Hãng tắc Ưởng” nghĩa là Trạng nguyên ở Chí Linh không ông Hãng thì ông Ưởng.

Tiến sĩ Nho học Nguyễn Danh Nho, sinh năm Mậu Dần (1638), quê xã Nghĩa Phú, nay thuộc xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) nổi tiếng là văn hay, chữ đẹp. Lúc đương thời, người ta gọi ông là “Dật Tiên”, tức là ông tiên cao siêu hoặc “Quyển Long” là con rồng uốn khúc. Đến năm 1670, đời vua Lê Huyền Tông, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ. Lần lượt ông được thăng các chức Tả ti giám, Hiền sát sứ, Thượng bạo tự khanh... vì đã chiến thắng giặc Nùng (tức nghĩa quân Nùng Chí Cao) trên đất Tuyên Quang. Sau ông lại được phụng mệnh nhà vua đi sứ nhà Thanh và khi trở về nước ông được thăng chức Hộ Bộ hữu thị lang. 

Tương truyền, khi đi sứ Trung Quốc, ông bước vào một cuộc thử tài văn chương viết nhanh, nhà vua sai người đặt một tấm bia ở giữa lòng sông, nước thủy triều dâng lên rất nhanh. Lệnh của nhà vua cho Nguyễn Danh Nho phải đứng giữa dòng sông viết một bài thơ, nước lên đến đâu phải viết đến đó, nếu không viết nhanh sẽ bị chìm ở dưới lòng sông. Ông viết xong bài thơ rất hay trong khi nước chưa ngập hết bia, ung dung lên thuyền vào bờ, làm rạng rỡ uy danh của người Việt.

Trên đường đoàn sứ bộ về nước đã qua Giang Nam, ghé thăm mộ Đại danh y Tuệ Tĩnh. Tại đây, Nguyễn Danh Nho đã cùng phó sứ Trần Thọ bằng biện pháp kỹ thuật rập được khuôn bia mộ với dòng chữ Hán, dịch sang quốc ngữ là: “Ngày sau, có ai người nước Nam qua đây, xin đưa hài cốt tôi về với…”.

Sau khi mất, Nguyễn Danh Nho được phong tặng chức Công bộ Tả Thị Lang.

Cụ nghè Thiên làm quan dưới ba triều vua

Cầm tinh con hổ, Nguyễn Minh Triết sinh năm Mậu Dần (1578) là người làng Thiên, huyện Chí Linh (nay thuộc phường Thái Học, TP Chí Linh), dân gian quen gọi cụ Nghè Thiên, hay Thượng Thiên. Cha mẹ ông làm nông, nhưng ông nội ông là Nguyễn Minh Thiện, từng đỗ tiến sĩ. Khi Minh Triết lớn lên cũng là giai đoạn  gia đình  sa sút.

Dù trong cảnh neo bấn, cuộc sống thanh bần nhưng gia đình ông vẫn quyết tâm cho con đi học.

Nguyễn Minh Triết học hành thông minh, nổi tiếng thần đồng, tiếng tăm vang khắp vùng. Nhưng lạ thay, mấy khóa lều chõng đi thi đều hỏng. Ông phải nghe gia đình lấy vợ, để có người giúp việc cấy cày. Tuy công việc ruộng đồng sớm khuya khó nhọc, nhưng ý chí học hành thi cử vẫn như ngọn lửa âm ỉ trong lòng. 

Khoa thi Hương năm Canh Ngọ (1630) Nguyễn Minh Triết 53 tuổi  đỗ cử nhân. Năm sau, ông về kinh thi Hội nhưng tới nơi thì nghe tin triều đình báo hoãn ngày thi, lo rằng chiến tranh Lê - Mạc rập rình, không bảo đảm an toàn được cho kỳ thi. Lương ăn sắp cạn, tiến thoái lưỡng nan, bước đường cùng, ông phải tìm kiếm việc làm độ thân, để  đợi chờ  đến ngày thi tiếp.

Khoa thi đó, cả nước có 5 người đỗ đại khoa, thì Nguyễn Minh Triết đỗ Đình nguyên. Các triều vua trước, ông có thể được lấy học vị Trạng nguyên, hoặc Bảng nhãn. Nhưng khoa này triều đình chỉ lấy đến học vị Thám Hoa. 

 Nguyễn Minh Triết 54 tuổi đỗ đại khoa. Ông làm quan đến chức Thượng Thư bộ Công, coi việc xây dựng cầu cống, đường sá, phát triển kinh tế dân sinh. Ông là người có tư tưởng khuyến học, khuyến nông. Làm quan dưới ba triều vua Lê Thần Tông, Lê Chân Tông  rồi  Lê Huyền Tông, ông luôn tận trung với xã tắc, liêm khiết, đức độ được dân chúng kính phục.

Sức mạnh “hổ” trong nghiên cứu văn hóa dân tộc

Nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Ngọc, tự là Ôn Như, sinh năm Canh Dần (1890), quê ở xã Thái Học (Bình Giang) được biết đến là người tài năng, làm việc với sức mạnh của “hổ”.

Năm 17 tuổi, ông đã tốt nghiệp Trường Thông ngôn của Pháp. Ông là người đa tài khi cho ra đời nhiều cuốn sách bằng tiếng Hán, tiếng Pháp và chữ quốc ngữ. Ông là tác giả của cuốn “Tục ngữ phong dao”, được coi là di sản văn hóa dân gian của dân tộc Việt Nam. Theo nhiều nhà nghiên cứu, cuốn sách là tập hợp đầu tiên những giá trị tinh thần do các thế hệ người lao động Việt Nam sáng tạo và truyền miệng qua hàng nghìn năm, được sưu tầm, biên soạn công phu. Nhà văn Nguyễn Văn Ngọc còn tham gia biên soạn nhiều sách giáo khoa, dùng giảng dạy trong nhà trường thời ấy như "Phổ thông độc bản", "Phổ thông độc bản lớp đồng ấu", "Giáo khoa văn học An Nam"…

Ngoài Nguyễn Văn Ngọc, cũng cần kể đến học giả Trần Văn Giáp, tự Thúc Ngọc, sinh năm Nhâm Dần 1902, quê ở làng Từ Ô, xã Tân Trào (Thanh Miện). Ông cũng là một người tuổi Dần đầy tài năng, thể hiện sự “uy vũ” như đúng con giáp của mình.

Theo học chữ Hán từ thuở nhỏ, Trần Văn Giáp mới 14 tuổi đã thi hương, đỗ tam trường. Năm 25tuổi, ông du học ở Pháp và tốt nghiệp cao học tại đây. Nhưng khi trở về nước, ông lại dành thời gian nghiên cứu lịch sử và ngữ văn cổ Việt Nam. Lớn lên trong hoàn cảnh dân ta triền miên bị áp bức đô hộ, bằng tài năng và bản lĩnh của mình, ông quyết định theo kháng chiến. Trần Văn Giáp còn viết cuốn “Sách trắng” để kể về tội ác của thực dân Pháp.

Không chỉ vậy, ông được đánh giá là một nhà thư tịch học xuất sắc của Việt Nam, có công trong việc truyền bá chữ quốc ngữ, phương pháp học “i tờ”. Năm 2001, học giả Trần Văn Giáp được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.

KHÚC HÀ LINH - NGUYỄN THẢO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Danh nhân Hải Dương tuổi Hổ