Danh tướng Phạm Cự Lượng qua Di sản Mộc bản triều Nguyễn

18/11/2022 05:42

Trong suốt chiều dài 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Hải Dương là vùng đất đã nuôi dưỡng biết bao anh hùng hào kiệt, lập chiến công hiển hách trong công cuộc chống giặc ngoại xâm.


Cổng đền thờ Phạm Cự Lượng (ảnh internet)

Một trong số đó phải kể đến là Phạm Cự Lượng (Lạng) - một danh tướng tài ba dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng và sau được vua Lê Đại Hành phong đến chức Thái úy.

Phạm Cự Lượng sinh năm 944, tại làng Trà Hương, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Thụy Trà, xã Nam Trung, huyện Nam Sách). Dòng dõi của Phạm Cự Lượng được Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 7, mặt khắc 1 có ghi: “Phạm Cự Lượng, người làng Chí Linh, thuộc quận Nam Sách, ông nội tên là Chiêm, thờ vua Ngô vương, làm chức Đồng giáp tướng quân, cha là Man, nhà Nam Tấn, làm quan Vệ uý đời nhà Đinh. Ông Cự Lượng làm quan Đại tướng quân dưới đời Tiên Hoàng…”.

 Năm Canh Thìn (980), vì có công lớn trong việc giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, Phạm Cự Lượng được phong chức Phòng Ngự sử tiên phong tướng quân giữ cửa biển Đại Ấc (Nam Định) rồi Tâm phúc tướng quân coi việc thị vệ.

Khi triều Đinh có biến (Đinh Tiên Hoàng và Đinh Toàn bị ám hại), giặc Tống lăm le xâm lược nước ta, Phạm Cự Lượng đã phò Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi. Sự việc này được Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 1, mặt khắc 9 và 10 ghi: “Bấy giờ, Lạng Châu nghe tin quân Tống sắp kéo sang, liền làm tờ tâu báo về. Thái hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cư Lượng làm đại tướng quân. Khi (triều đình) đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lượng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, nói với mọi người rằng: “Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn”. Quân sĩ nghe vậy đều hô “vạn tuế”.

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 1, mặt khắc 13 cũng có chép: “… Viên quan giữ Lạng Châu đem sự đó tâu lên, Dương hậu sai Lê Hoàn lựa tuyển dũng sĩ để kháng chiến: cho Phạm Cự Lượng làm Đại tướng quân, bày mưu kế đem quân ra đánh. Cự Lượng và các tướng đều mặc quân phục, vào thẳng điện đình, bảo mọi người rằng: “Nay, thưởng người có công mà phạt kẻ không vâng mạng, đó là phép hành binh. Bây giờ chúa thượng hãy còn thơ ấu, bọn ta dẫu hết sức liều chết, may mà có chút công lao, thì ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn ngay Thập đạo tướng quân lên làm thiên tử, sau sẽ ra quân?”. Quân sĩ đều tung hô “vạn tuế”.


Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 7, mặt khắc 1 ghi về cuộc đời và sự nghiệp của danh tướng Phạm Cự Lượng (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

Sau khi Lê Hoàn lên ngôi, Phạm Cự Lượng được phong làm Đại tướng quân, cùng vua đánh đông, dẹp bắc. Năm Tân Tỵ (981), ông cùng Lê Hoàn đánh thắng quân xâm lược Tống. Tiếp đó, năm Nhâm Ngọ (982), ông lại phụng mệnh vua đánh thắng quân Chiêm Thành.

Sau khi đất nước thái bình, năm Quý Mùi (983), Phạm Cự Lượng được vua giao trọng trách đi khai sông (kênh nhà Lê) trị thuỷ. Kênh nhà Lê cho đến nay đã tồn tại hơn 1.000 năm và là con đường giao thông thuỷ nội địa đầu tiên ở Việt Nam.

Với công lao to lớn của mình, năm Bính Tuất (986), ông được Lê Hoàn phong chức Thái uý. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 1, mặt khắc 22 ghi về việc này như sau: “Dùng Từ Mục là Tổng quản giữ việc quân và dân, ban cho tước hầu; Phạm Cự Lượng làm Thái úy”.

 Phạm Cự Lượng mất vào ngày tháng năm nào, không thấy sử sách ghi rõ. Trong Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, ghi ngắn gọn rằng: “Năm thứ 6, niên hiệu Thiên Phúc, Cự Lượng được thăng Thái uý, rồi mất”.

Dưới thời vua Lý Thái Tông, hình phạt xử án rối rắm, quan sĩ sư nhiều lần không xử đoán được, khiến lòng dân bất an. Thái Tông muốn được quỷ thần tỏ sự anh linh để ngăn lấp đường gian trá, bèn tắm gội và thắp hương cầu Thiên đế. Đêm, vua mộng thấy sứ giả mang sắc thư của Thiên đế cho Phạm Cự Lượng làm minh chủ việc kiện trong phủ Đô hộ.

Câu chuyện kỳ lạ trên được Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, mặt khắc 25 ghi lại rằng: “Dựng đền thờ Hoằng Thánh Đại vương. Trước đây vua thấy phủ Đô hộ để nhiều án ngờ, quan sĩ sư không xét đoán được, muốn tỏ rõ sự linh thiêng sáng suốt để tiệt hết kẻ gian trá, bèn tắm gội đốt hương khấn Thiên đế. Đêm ấy vua chiêm bao thấy sứ giả mặc áo đỏ bưng sắc chỉ của thượng đế ban cho Phạm Cự Lượng làm chức Đô hộ phủ ngọc tụng minh chủ. Vua hỏi sứ trời rằng: “Người ấy là ai? Hiện đang giữ chức gì của ta?”. Sứ giả nói: “Người ấy làm Thái úy triều Lê Đại Hành”. Nói xong thì biến mất. Vua tỉnh dậy, gọi các quan vào hỏi việc ấy, phong cho (Cự Lượng) tước vương, sai Hữu ty dựng đền ở phía tây cửa Nam thành, tuế thời cúng tế (Hoằng Thánh sau đổi là Hồng Thánh). 

Có thể nói, qua những trang thông tin được biên chép từ Mộc bản triều Nguyễn, chúng ta có thể hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của danh tướng Phạm Cự Lượng. Những công lao đó của ông sẽ mãi được các thế hệ người dân đất Việt ghi nhớ. Hiện nay, đền thờ Phạm Cự Lượng nằm ở phố Quốc Tử Giám là một trong những ngôi đền có lịch sử sớm nhất ở Hà Nội và vẫn được người dân tôn tạo, phụng thờ.

THƠM QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Danh tướng Phạm Cự Lượng qua Di sản Mộc bản triều Nguyễn