Chùa Mui lưu giữ nhiều hiện vật giá trị

28/12/2022 06:45

Nằm ở phía bắc huyện Thanh Miện, chùa Mui ở làng Cụ Trì, Ngũ Hùng hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật phong phú, giá trị. 


Chùa Mui vẫn giữ được nét đẹp cổ kính

Lưu giữ nhiều giá trị

Làng Cụ Trì xưa thuộc tổng La Ngoại, huyện Thanh Miện, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương. Ngày nay, Cụ Trì là một trong năm thôn của xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện.

Xã Ngũ Hùng hiện bảo lưu nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Mỗi thôn My Trì, Cụ Trì, La Ngoại, Tiêu Lâm đều có 1 ngôi chùa thờ Phật. Trong đó chùa Mui ở thôn Cụ Trì còn lưu giữ nhiều hiện vật giá trị. Vào năm 2011, chùa đã được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.

Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Mui là nơi thờ Phật theo giáo lý của thiền phái Đại thừa, khuyên răn con người làm nhiều điều thiện tâm, tránh xa điều ác, gần gũi yêu thương giúp đỡ nhau để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Di tích còn là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Tại đây đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của các thời kỳ cách mạng. Kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), dưới nền thượng điện chùa là hầm bí mật của cán bộ Việt Minh tránh các cuộc càn quét của quân giặc. Đồng thời, nơi đây cũng là công binh xưởng sản xuất vũ khí; trụ sở làm việc của các cơ quan, đoàn thể; kho lương thực, địa điểm an dưỡng của thương binh, bệnh binh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Chùa Mui do dân làng xây dựng vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Vào năm Bảo Đại Tân Tỵ (1941) di tích được trùng tu lớn và những năm gần đây tiếp tục được tôn tạo. Công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện, xây tường hồi bít đốc bổ trụ. Kết cấu chính của các vì kèo kiểu kẻ chuyền, chồng rường, chất liệu gỗ tứ thiết. Mái lợp ngói mũi truyền thống. Di tích còn lưu giữ một số mảng chạm lá hóa long, lá lật và phù điêu nghệ thuật, thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân.

Hiện nay, chùa còn lưu giữ hệ thống tượng Phật phong phú, đầy đủ cho một phật điện. Các pho tượng đều bằng chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng và được tạo tác với tỷ lệ cân đối, nét mặt biểu đạt cảm xúc có hồn, mô tả sự riêng biệt của từng pho tạo nên sự hài hòa của nghệ thuật điêu khắc dân gian. Trong đó có nhiều pho tượng đạt trình độ cao về điêu khắc như pho tượng Ngọc Hoàng, Phạm Thiên, Đế Thích, Thánh Hiền, Đức Ông ... 
Ngoài các pho tượng, chùa còn giữ được 4 tấm bia đá khắc dựng vào năm Tự Đức 8 (1855), Tự Đức 21 (1868), Thành Thái 8 (1896) và 1 quả chuông đồng đúc năm Duy Tân 4 (1910) có nội dung ca ngợi cảnh đẹp của di tích, chốn thiền môn thanh u, tĩnh mịch. Ngoài ra, chùa còn một số cổ vật khác, tuy số lượng không nhiều nhưng đều là những hiện vật có niên đại vào thời Nguyễn ẩn chứa giá trị lịch sử và nghệ thuật. Hằng năm, lễ hội tại chùa diễn ra long trọng theo nghi thức Phật giáo.

Tôn tạo di tích bằng nguồn xã hội hóa


Một số pho tượng có nét điêu khắc tinh xảo được lưu giữ tại chùa 

Chùa Mui gắn liền với đời sống tinh thần của dân làng qua nhiều thế hệ, là niềm tự hào và được nhân dân địa phương dầy công gìn giữ. Vào những năm đầu 40 của thế kỷ XX, sư cụ của chùa đứng lên nâng cấp tiền đường và trông nom chùa. Trải qua hai cuộc kháng chiến gian lao, chùa Mui vẫn được tu sửa. Đặc biệt, trong hai năm (2010 -2011) công cuộc xã hội hóa tu bổ tôn tạo di tích được Đảng bộ, chính quyền địa phương, nhân dân, các dòng họ, bà con đang sinh sống ở khắp mọi miền của Tổ quốc hưởng ứng. Chỉ trong hai năm, nguồn kinh phí xã hội hóa di tích lên đến 1,2 tỷ đồng, bằng vài chục năm trước đó cộng lại. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, nhiều hạng mục của khu di tích được nâng cấp, tu bổ như nền nhà tiền đường, xây cổng, lát sân, mua thêm đất để mở rộng khuôn viên, nâng cấp đường vào chùa…

Cùng với đẩy mạnh công tác xã hội hóa, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, UBND xã Ngũ Hùng cùng với lãnh đạo thôn, Ban Quản lý di tích đã và đang xây dựng các phương án tổ chức lễ hội, làm tốt việc giữ gìn, bảo quản các cổ vật, hiện vật, bia ký, mua sắm đồ thờ tự…

Mặc dù trải qua sự khắc nghiệt của thời gian và chiến tranh, song đến nay chùa Mui vẫn là một di tích đẹp và cổ kính, là nơi sinh hoạt tinh thần của nhân dân địa phương.

NHẬT HỮU 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chùa Mui lưu giữ nhiều hiện vật giá trị