Đánh thức Brăh Yàng

17/06/2018 11:07

Brăh Yàng theo tiếng Kơ Ho bản địa có nghĩa là nơi ở của Trời (Yàng) và thần thánh rất linh thiêng. Núi Brăh Yàng thuộc thôn Ka La, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh (Lâm Đồng)...


Thung lũng dưới chân núi Brăh Yàng rất phù hợp cắm trại, dã ngoại

“Nhà” Di Linh

Núi Brăh Yàng gắn với nhiều câu chuyện truyền thuyết khá hoang đường từ bao đời đã ăn sâu trong tâm thức, tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng người dân tộc Kơ Ho ở xã anh hùng Bảo Thuận. Ngọn núi có độ cao 1.879 m so với mặt nước biển và cao nhất cao nguyên Di Linh nên được ví là “nhà” Di Linh. Núi Brăh Yàng hiện còn nguyên thủy với những dãy núi cao thẳng đứng, bao quanh là rừng xanh, núi đá và nhiều khe nước.

Đường lên đỉnh chỉ có một lối đi nhỏ duy nhất (do nhân dân địa phương phát dọn) ngoằn ngoèo. Từ chân núi lên đến đỉnh dài chừng 3 km nhưng rất khó đi, nhất là đoạn hơn 1 km gần tới đỉnh. Truyền thuyết kể rằng Brăh Yàng là nơi cư trú của vị thần sức khỏe có tài quy phục dã thú và bệnh tật bảo vệ con người, vạn vật. Ai đến được đỉnh núi cao, hiểm trở này là chinh phục được niềm tin và có sức khỏe vô biên trong vùng… Núi Brăh Yàng trước nay thử thách sức khỏe, niềm tin và ý chí của con người, đặc biệt đối với thanh niên.

Tiềm năng du lịch

Đứng nhìn ngọn núi Brăh Yàng cao ngất và khung cảnh thôn Ka La nên thơ hiện ra trong nắng sớm, bên dưới chân núi là dòng thác nước như thể chạy ra từ đá và rừng xanh, ta có cảm nhận nơi đây là một vùng đất ẩn chứa nhiều tiềm năng trầm tích. Từ năm 2007, huyện Di Linh đã cho xây một con đập lớn ngăn dòng suối tạo thành một hồ nước lớn - hồ Ka La dưới chân núi Brăh Yàng. Mặt hồ rộng hơn 300 ha vừa để lấy nguồn nước tưới cho cây trồng và vùng lúa các xã Bảo Thuận, Đinh Lạc, Tân Nghĩa, Gung Ré, thị trấn Di Linh... vừa làm môi trường khai thác du lịch. Trong lòng hồ, nhiều gia đình, doanh nghiệp đang thả lồng nuôi cá tầm giống, mở ra hướng phát triển nông nghiệp triển vọng…


Du khách tham quan các lồng bè nuôi cá tầm trong hồ Ka La

Con đập được xây rất cao, dài chừng 500 m nối giữa hai dãy núi (một đầu đập gối lên chân núi Brăh Yàng, còn đầu kia gối lên một sườn núi đối diện), bề mặt con đập rất rộng và được trải nhựa sạch bóng tạo thành con đường đi lại của nhân dân trong vùng, là nơi hò hẹn thơ mộng của các đôi trai gái trong những đêm đẹp trời. Đứng từ hạ nguồn nhìn lên, con đập nước như một chiếc cầu mây bắc ngang dãy ngân hà. Mùa hè, nước hồ Ka La xanh trong in bóng dãy núi Brăh Yàng lung linh rất đẹp. Cuối con đập là dòng mương được xây kiên cố (cao hơn mặt đất chừng 1 m) dẫn dòng nước xanh mát từ hồ Ka La chảy cuồn cuộn xuôi về với những cánh đồng lúa của bà con nông dân các xã và vùng lận cận… Khung cảnh hồ Ka La, núi Brăh Yàng và một thung lũng xanh (dưới chân núi) hiện ra như một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Theo người dân ở đây, từ khi hồ Ka La được xây dựng đã tạo cho thôn một bộ mặt mới, người ta bắt đầu chú ý đến vùng đất này. Hơn nữa, quốc lộ 28 - nối Lâm Đồng với tỉnh Bình Thuận (đi qua xã Bảo Thuận) nên có rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước, nhất là du khách nước ngoài tìm đến đây. Đặc biệt bơi thuyền trên hồ thưởng ngoạn cảnh núi non, trời nước Ka La là cái thú rất tao nhã và thật tuyệt vời.

Nói về tiềm năng du lịch dã ngoại, sinh thái của núi Brăh Yàng và khu du lịch Ka La, lãnh đạo UBND huyện Di Linh cho biết huyện đang tập trung đầu tư khai thác lợi thế về địa hình, sản phẩm đặc thù để phát triển loại hình du lịch leo núi, dã ngoại, tham quan hồ, cắm trại dã ngoại vừa kết hợp mở các dịch vụ giải trí lành mạnh. Chính quyền địa phương đã xây dựng dự án, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, kêu gọi đầu tư và làm tốt công tác quy hoạch để núi Brăh Yàng thực sự trở thành điểm du lịch mới, hấp dẫn khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

THANH DƯƠNG HỒNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh thức Brăh Yàng