Chặn tin nhắn, cuộc gọi rác từ gốc

13/11/2022 09:17

Người dân cần tạo thói quen cảnh giác trên môi trường mạng, với cuộc gọi đe dọa cần liên hệ đầu số 156 để phản ánh.


Ảnh minh họa 

Chỉ trong vòng nửa tiếng ngồi uống cà phê sáng cuối tuần với tôi, bạn tôi đã phải nhấc điện thoại nghe 3 cuộc gọi quảng cáo, giới thiệu về thị trường chứng khoán, cơ hội việc làm online hay mở bán đất nền của một dự án ở tận đẩu tận đâu, không phải nơi bạn sinh sống. Do làm kinh doanh nên bạn tôi vẫn phải nghe máy dù số lạ để tránh bỏ lỡ cuộc gọi của khách hàng. 

Sau khi nhận được 3 cuộc gọi quảng cáo, bạn tôi đã “bốc máy” gọi tới đầu số 156. Theo hướng dẫn từ tổng đài viên, bạn tôi có thể phản ánh trực tiếp bằng cách đọc số điện thoại đã gọi quảng cáo hoặc nhắn tin theo cú pháp tương ứng đối với tin nhắn rác hoặc cuộc gọi rác. Nhà mạng quản lý thuê bao sẽ tiếp nhận phản ánh, gửi tới Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông). Sau 24 giờ sẽ có thông báo về việc xử lý. Cúp máy, bạn tôi thở dài, có vẻ không mấy trông chờ vào kết quả.

Đã hơn chục ngày kể từ khi đầu số 156 được Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông chính thức triển khai. Như vậy đến nay có tới 2 đầu số tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Một là đầu số 5656, được triển khai từ năm 2020 theo quy định tại Nghị định 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hai là đầu số 156.

Đầu số 5656 trước đây hay mới đây là đầu số 156 là nỗ lực không nhỏ của các cơ quan chức năng trong việc thanh lọc môi trường viễn thông di động, nâng cao trải nghiệm của người dùng, song có vẻ đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Nói vậy là bởi việc phản ánh tin nhắn, cuộc gọi rác chỉ có thể xử lý được những đầu số cụ thể. Cá nhân, tổ chức sử dụng tin nhắn, cuộc gọi rác có thể có kho đầu số rác riêng. Mất số này thì dùng số khác. Cứ thế, tin nhắn, cuộc gọi rác, nhất là những cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, kiểu như cuộc gọi thông báo “đã lái xe gây tai nạn ở Đà Nẵng” khiến dư luận bức xúc ít tháng trước vẫn là vấn nạn chưa có hồi kết. 

Còn nhớ 2 năm trước, khi đầu số 5656 được triển khai, không ít người đã bức xúc bởi dù đã phản ánh nhưng tin nhắn, cuộc gọi rác vẫn là nỗi ám ảnh. Đến nay, khi đầu số 156 được triển khai, nhiều người đặt câu hỏi: đầu số 5656 đã có, tính hiệu quả đến đâu để giờ đây phải lập thêm đầu số mới? 

Trong số hàng chục, thậm chí có thể lên đến hàng trăm triệu thuê bao di động hiện nay, có bao nhiêu thuê bao đăng ký chính chủ, bao nhiêu thuê bao ảo, thuê bao từ SIM đã được kích hoạt sẵn? Đây mới là gốc của vấn đề. Chỉ riêng địa bàn TP Hải Dương đã không khó để mua một SIM được kích hoạt sẵn thì trên cả nước chắc chắn loại SIM này không khó kiếm. Những SIM này từ đâu ra?

SIM đăng ký thông tin không đầy đủ phải được rà soát, quyết liệt loại bỏ khỏi hệ thống. Việc này có thể nói không mấy khó khăn. Vấn đề còn lại nằm ở những SIM dù đầy đủ thông tin song không chính xác. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã có, các nhà mạng cần khẩn trương đối soát, xử lý triệt để loại SIM này càng sớm càng tốt. Cần nghiên cứu công nghệ để phát hiện, ngăn chặn sớm, không để tin nhắn, cuộc gọi rác có cơ hội kết nối tới bất kỳ số điện thoại nào của người dân. 

Một người muốn mua đất tiếp nhận cuộc gọi giới thiệu về bất động sản là “chuẩn bài”, ngược lại không có nhu cầu về đất mà nhận cuộc gọi này thì thành rác. Cần hình thành cơ chế, chính sách để doanh nghiệp muốn quảng cáo, giới thiệu sản phẩm làm việc với các nhà mạng, qua đó hiện tên doanh nghiệp khi thực hiện các cuộc gọi. Người dùng có quyền quyết định nhận hoặc không nhận cuộc gọi đó.

Những biện pháp trên cần sự hợp tác, từ bỏ lợi ích "nhập nhèm" của doanh nghiệp viễn thông.

Mặt khác, người dân cần tạo thói quen cảnh giác trên môi trường mạng. Với cuộc gọi quảng cáo, điều có thể làm là cúp máy một cách lịch sự; với cuộc gọi đe dọa cần liên hệ đầu số 156 để phản ánh; với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo phải tỉnh táo, tránh bị dụ dỗ và báo cơ quan công an.

SONG TƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn tin nhắn, cuộc gọi rác từ gốc