Chờ lãi suất cho vay giảm

20/03/2023 09:03

Cũng giống như nhiều đợt điều chỉnh lãi suất trước đây, khi lãi suất huy động tiền gửi tăng thì lập tức lãi suất cho vay cũng tăng theo. Nhưng khi lãi suất huy động tiền gửi giảm thì lãi suất cho vay vẫn còn “đủng đỉnh”.

Tuần qua, sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm các lãi suất điều hành từ 0,5 - 1%/năm, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động tiền gửi. Nhóm ngân hàng dẫn đầu trong “cuộc đua” lãi suất đã đồng loạt điều chỉnh.

Ngày 16.3, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) công bố biểu lãi suất mới cao nhất là 9% cho người gửi tiền kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, giảm 0,2 - 0,5% tùy theo kỳ hạn so với lãi suất vào đầu tháng 3. Chỉ còn một số ngân hàng đang niêm yết lãi suất cao nhất trên 9%/năm như Bản Việt (lãi suất 9,5%/năm cho kỳ hạn 24 tháng), Phương Đông (lãi suất kỳ hạn từ 13 tháng trở lên là 9,3%/năm)...

 Nhiều ngân hàng dẫn đầu trong “cuộc đua” lãi suất đã đồng loạt điều chỉnh. Ảnh minh họa

Việc nhiều ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động tiền gửi khiến người vay khấp khởi hy vọng, mừng thầm. Bởi lãi suất cho vay bao giờ cũng tỷ lệ thuận với lãi suất huy động tiền gửi.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều đợt điều chỉnh lãi suất trước đây, khi lãi suất huy động tiền gửi tăng thì lập tức lãi suất cho vay cũng tăng theo. Nhưng khi lãi suất huy động tiền gửi giảm thì lãi suất cho vay vẫn còn “đủng đỉnh”. Lần này cũng không ngoại lệ. Hiện lãi suất cho vay ở nhiều ngân hàng thương mại áp dụng cho cá nhân vẫn duy trì từ 13 - 14,5%/năm; khách hàng doanh nghiệp tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể đa số cũng sẽ dao động từ 10 - 13%/năm. Như vậy, trong khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm của người dân đã giảm từ 2 - 3%/năm so với đầu năm thì lãi suất cho vay chỉ giảm nhẹ 0,5 - 1%/năm.

Một số ngân hàng đã thông báo bắt đầu giảm lãi suất cho vay, nhưng vẫn tùy đối tượng khách hàng. Từ ngày 15.3, Agribank công bố triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD. Chương trình triển khai cho các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) phù hợp với điều kiện tài chính và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mức lãi suất ưu đãi thấp hơn lên tới 1,5%/năm với khoản vay giải ngân bằng đồng Việt Nam và 1%/năm với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất hiện hành, tùy theo từng kỳ hạn cho vay, hồ sơ cụ thể của doanh nghiệp.

Theo nhận định của Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và một số chuyên gia kinh tế khác, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng để giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Động thái vừa qua của Ngân hàng Nhà nước là bước đầu tiên trong quá trình nới lỏng tiền tệ nếu các diễn biến kinh tế đồng thuận cho quá trình này, có thể tới đây sẽ có các đợt giảm trần lãi suất huy động cũng như giảm lãi suất điều hành tiếp theo.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lãi suất cho vay cũng cần có độ trễ để các ngân hàng trung hòa hết vốn lãi cao, do vậy kỳ vọng khoảng 1 - 3 tháng tới lãi suất cho vay mới có thể giảm.

Dù khá sốt ruột vì lãi suất cho vay giảm chậm nhưng dù sao với người đi vay, nhất là với các doanh nghiệp thì đây cũng là một điều đáng mừng. Song điều mà nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa lo lắng nhất là việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp. Bởi thực tế có tới 97% số doanh nghiệp ở Hải Dương có quy mô nhỏ và vừa, trong đó còn những doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng. Người đi vay nói chung, doanh nghiệp nói riêng mong muốn Ngân hàng Nhà nước cần sớm có cơ chế để khơi thông thị trường cho vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn vốn vay thuận lợi hơn. 

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chờ lãi suất cho vay giảm