Để từ chức trở thành nét văn hóa ứng xử của cán bộ

10/11/2022 08:53

Trong lịch sử dân tộc, văn hóa công vụ về từ chức đã hình thành dù chưa phổ biến. Nó thể hiện lòng tự trọng, giữ phẩm giá của mỗi người.


Ảnh minh họa

“Từ chức" theo Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3.11.2021 của Bộ Chính trị “về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Trong đời sống xã hội, tuy không phải là hiếm, nhưng rất khó để một cán bộ từ chức dù với lý do nào bởi nó liên quan đến lợi ích, quyền lực, danh dự... thậm chí là "cơm áo" hằng ngày của chính cán bộ. Có nhiều rào cản khiến cho việc từ chức không hề dễ như nguyên tắc “có lên-có xuống”, “có vào-có ra” trong công tác cán bộ.

Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có những quy định rõ ràng cũng như khuyến khích cán bộ có sai phạm, không đủ uy tín từ chức, tuy vậy, chúng ta chưa xây dựng được thiết chế thuận tiện để cán bộ đã từ chức, nghỉ việc quay trở lại làm việc. Thực tế, những cán bộ đã từ chức, nghỉ việc thì rất khó có cơ hội trở lại hệ thống công quyền.

Ở một chừng mực nhất định, trong lịch sử dân tộc, văn hóa công vụ về từ chức đã hình thành dù chưa phổ biến. Nó thể hiện lòng tự trọng, giữ phẩm giá của mỗi người.  

Thời gian qua, đã có một số cán bộ giữ các chức vụ quan trọng ở cả Trung ương và địa phương xin từ chức. Phần lớn số cán bộ này từ chức là do có vi phạm khuyết điểm. Dù việc họ từ chức là thể hiện sự chủ động, song việc từ chức sau khi đã nhận hình thức kỷ luật thì tính chất, ý nghĩa cũng khác.

Trên thực tế, Đảng, Nhà nước đã có các quy định pháp lý cho việc từ chức. Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) của Đảng "về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" xác định phải "xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ". Ngày 3.11.2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định 41-QĐ/TW “về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” và ngày 8.9.2022, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Thông báo kết luận số 20-TB/TW  “về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật”. Điểm đáng chú ý, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.

Có thể thấy, những quy định này đã có nội hàm rất rõ khi coi việc từ chức là vấn đề bình thường trong thực thi công vụ. Nó cũng mở đường cho những cán bộ có sai phạm, yếu kém; đồng thời tạo thuận lợi cho những cán bộ muốn từ chức vì những lý do chính đáng khác. Tuy nhiên, trên thực tế, còn một rào cản khác khiến cho cán bộ không dễ dàng từ chức, đó là nếu đã từ chức thì gần như không còn cơ hội để quay lại hệ thống công quyền. Thực tế, các quy định của Đảng không chặn đường tiến của cán bộ đã từ chức. Điểm 2 điều 10 Quy định số 41-QĐ/TW nêu: “Cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định”. Dù vậy, trên thực tế vẫn còn quan điểm nặng nề, định kiến khi phục chức hay thăng chức cho một cán bộ từ chức. Dư luận và ngay cả tâm thế của cán bộ dường như chưa sẵn sàng cho điều đó. Có ý kiến cho rằng, cần có một vài vụ "xé rào" trong việc “từ chức-phục chức” để tạo tiền lệ, để khơi thông dư luận, để hoàn thiện thêm chính sách.

Như đã đề cập, nếu ai đó đã chạy chức thì rất khó để họ từ chức, mà bằng mọi cách để giữ chức. Bởi thế, cần xử lý cương quyết với tình trạng chạy chức.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần khẳng định quan điểm xuyên suốt: “Cán bộ là công bộc của dân”; chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ... Chức tước, địa vị của cán bộ thực ra là do nhân dân ủy thác. Khi thấy mình không thể làm tốt vai trò là một công bộc thì từ chức là việc nên làm. Đó không đơn thuần là một hành động mà cần xem nó là văn hóa ứng xử của cán bộ, rất cần thiết dù trong bất cứ môi trường, công việc nào.

NGUYỄN ANH TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để từ chức trở thành nét văn hóa ứng xử của cán bộ