Vướng mắc trong thực hiện đề án xử lý chất thải rắn

02/02/2023 13:12

Mặc dù đã đạt được các kết quả tích cực nhưng việc triển khai thực hiện Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là đề án) trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.


Rác thải tại Cao Thắng (Thanh Miện) cũng như nhiều địa phương khác vẫn được thu gom hỗn độn rồi chuyển đến bãi rác tập trung

Theo ông Vũ Mạnh Tưởng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), trong năm 2022, các địa phương và đơn vị có liên quan đã chủ động triển khai các nhiệm vụ để thực hiện đề án. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được triển khai rộng rãi tại một số địa phương và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tỷ lệ chất thải vô cơ phải đem xử lý tại các nhà máy hoặc chôn lấp sau khi phân loại giảm rõ rệt. Nhân dân bước đầu có ý thức tốt trong việc phân loại rác thải tại nguồn, ủ mùn compost tại nhà và sử dụng mùn compost vào sản xuất nông nghiệp.


Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo kế hoạch triển khai đề án của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện nay các nhiệm vụ này chưa thực hiện được do sở này chưa có đủ cơ sở pháp lý để tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, chính sách như yêu cầu. Trong đó, có vướng mắc do sự thay đổi của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2022) dẫn đến thay đổi liên quan tới trách nhiệm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi các hoạt động về bảo vệ môi trường đối với UBND cấp tỉnh. 

Trong thời gian qua đã có một số nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu đầu tư nhà máy xử lý rác tập trung trên địa bàn tỉnh theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến nhưng chưa có nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất dự án.

Đối với việc phân loại rác tại nguồn theo nội dung của đề án, qua tìm hiểu của phóng viên tại một số huyện như Cẩm Giàng, Thanh Miện, Gia Lộc, Kim Thành cho thấy hoạt động thu gom phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại các gia đình mới dừng lại ở việc thực hiện mô hình thí điểm, chưa có đánh giá kết quả thực hiện một cách khoa học. Việc hỗ trợ kinh phí để đầu tư trang thiết bị, chế phẩm phục vụ phân loại rác tại nguồn chưa có hoặc chưa được kịp thời dẫn đến tiến độ triển khai chưa bảo đảm theo kế hoạch đã đề ra. Chưa có thiết bị để thu gom rác vô cơ và hữu cơ riêng nên việc thu gom rác hiện nay chủ yếu vẫn là do các tổ thu gom hỗn độn các loại rác rồi vận chuyển đến bãi rác tập trung của xã hoặc của thôn. Phần lớn mức thu phí thu gom vận chuyển rác thải tại các địa phương đang được tính bình quân, mang tính “cào bằng” nên chưa bảo đảm công bằng và không khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác để hạn chế lượng rác phát sinh phải xử lý.

Việc triển khai phân loại rác chưa đồng bộ giữa các khâu. Trong ảnh: Một hộ dân ở xã Hồng Phong (Nam Sách) phân loại rác theo phương tiện tự có, chưa có thùng đựng rác riêng biệt


Một bất cập nữa là, theo đề án được phê duyệt, khi thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, các gia đình sẽ được hỗ trợ nắp đậy hố ủ rác di động kích thước 0,7 m x 0,7 m. Tuy nhiên thực tế triển khai tại một số địa phương cho thấy, kích thước 0,6 m x 0,6 m sẽ phù hợp hơn và một số gia đình không sử dụng hố ủ phân hữu cơ mà sử dụng thùng ủ. Cũng theo đề án, các hộ phân loại rác thải tại nguồn sẽ được hỗ trợ chế phẩm vi sinh Emuviv song thực tế ngoài chế phẩm Emuniv thì trên thị trường còn nhiều loại chế phẩm hiệu quả xử lý cũng tương đương như: Emzeo, Gem -P1… 

Cùng với các khó khăn trên, hiện nay nhiệm vụ lập và thẩm định phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo nội dung của đề án chưa thể triển khai thực hiện do chưa có hướng dẫn cụ thể về định mức kinh tế kỹ thuật và hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Trước những vướng mắc, khó khăn trên, Sở TNMT đã có văn bản xin hướng dẫn cụ thể nhưng Bộ TNMT chưa trả lời. Tháng 11.2022, Sở TNMT đã báo cáo, đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung một số nội dung và hạng mục hỗ trợ thực hiện mô hình thí điểm phân loại rác thải tại nguồn. Tháng 12.2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành có liên quan và các địa phương. Sở TNMT phải chủ trì phối hợp kiểm tra, đánh giá cụ thể hiệu quả của mô hình phân loại rác thải tại nguồn đang triển khai tại huyện Nam Sách, đề xuất các giải pháp để hoàn thiện mô hình. Trên cơ sở đề xuất, UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định việc triển khai, nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu xử lý rác thải Việt Hồng (Thanh Hà) vào danh mục đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công năm 2023. Sở Tài chính cân đối nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các địa phương trong việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và triển khai thực hiện đề án kịp thời, bảo đảm tiến độ công việc của đề án…

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vướng mắc trong thực hiện đề án xử lý chất thải rắn