Đối mặt với nguy cơ hạn mặn

19/12/2021 10:30

Trước những dự báo bất lợi về việc thiếu hụt nguồn nước trong vụ đông xuân 2021-2022, các địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp để hạn chế tối đa ảnh hưởng của hạn mặn với sản xuất nông nghiệp.


Công nhân Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải thường xuyên đo độ mặn để lấy nước ngược hiệu quả, an toàn

Mối lo lớn

Là trọng điểm phòng chống hạn của tỉnh nên khu vực phía bắc quốc lộ 18 (Chí Linh) thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng. Nguồn nước ở đây lấy từ hồ đập, phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa tự nhiên nên việc cấp nước bị động. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng mưa vụ đông xuân ít dần dẫn tới mức độ hạn tại đây càng nghiêm trọng hơn. Ông Trần Nhật Tâm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hoàng Hoa Thám cho biết địa phương có 4hồ lớn và hơn 30 hồ nhỏ cung cấp nguồn nước tưới cho 155 ha lúa, rau màu vụ đông xuân. Dù tưới tiết kiệm, chắt chiu, thậm chí tận dụng cả nước ở khe suối nhưng năm nào xã cũng phải lo chống hạn. Cứ đổ ải xong là nước chỉ còn láng lòng hồ, nếu không có mưa thì việc tưới dưỡng lúa rất căng thẳng. HTX phải sử dụng bơm dầu, bơm điện để đưa nước vào kênh trục. "Năm nay, thời tiết hanh khô kéo dài, ít mưa nên tôi rất lo ngại sẽ xảy ra hạn lớn", ông Tâm nói.

Nếu như những nơi có cốt đất cao phải đối mặt với mối lo hạn hán thì tại các địa phương vùng triều, nguy cơ nhiễm mặn luôn thường trực. Trước đây, nước sông ngoài nhiễm mặn chỉ xảy ra vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 thì vài năm trở lại đây tình trạng này diễn ra sớm hơn, mức độ nghiêm trọng hơn. Vì khó dự báo nên việc đưa ra các phương án ứng phó cũng cấp tập, không mang lại hiệu quả cao. Vụ đông xuân năm 2020-2021, huyện Tứ Kỳ có gần 500 ha lúa ở các xã An Thanh, Hà Thanh, Nguyên Giáp bị nhiễm mặn, ảnh hưởng tới năng suất. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, do vị trí nằm ở hạ lưu sông nên địa phương có thể tận dụng triều cường, lấy nước ngược để dự trữ nước vào kênh trục. Dù có lợi thế hơn các nơi khác về nguồn nước song nếu lấy phải nước nhiễm mặn thì hậu quả sẽ khó lường.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, vụ đông xuân 2021-2022, lượng mưa toàn mùa thấp hơn trung bình nhiều năm. Đầu mùa ít mưa, nhiều ngày hanh khô. Dòng chảy ở hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình ở mức thấp với mực nước kiệt nhất từ - 3 đến -2 m. Mực nước thấp kết hợp với thủy triều cao nên độ mặn các sông khu vực Hải Dương sẽ lớn nhất vào thời gian triều cường. Các địa phương ở hạ lưu sông như các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành và thị xã Kinh Môn có nguy cơ cao nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Do đó, nhiệm vụ chống hạn, chống mặn trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Từ ứng phó đến thích ứng

Để không bị động trước hạn mặn, các địa phương, đơn vị khai thác công trình thủy lợi trong tỉnh đang gấp rút triển khai các phương án ứng phó, bảo đảm sản xuất vụ đông xuân diễn ra an toàn, thuận lợi.

Có địa hình cao, nguồn nước phụ thuộc phần lớn vào hệ thống Bắc Hưng Hải nên năm nào huyện Cẩm Giàng cũng xác định chống hạn là nhiệm vụ trọng tâm. Thực tế từ năm 2016 đến nay, mực nước liên tục xuống thấp nên trong giai đoạn đổ ải, huyện phải chờ lấy nước ngược từ cống Cầu Xe, An Thổ. Nhiều thời điểm, các trạm bơm ở địa phương phải dừng hoạt động để đợi nước dồn làm tiêu tốn điện năng, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Trước thực trạng này, huyện đã chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình lấy nước. Bên cạnh việc phấn đấu vượt chỉ tiêu làm thủy lợi đông xuân, huyện còn tổ chức đổ ải sớm hơn từ 7-10 ngày so lịch chung của tỉnh. Địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, các HTX thường xuyên kiểm tra công trình thủy lợi để tránh rò rỉ, thất thoát nước. "Đó đều là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài huyện đã tính tới việc chuyển đổi từ một số diện tích cấy lúa sang trồng màu ở các xã Định Sơn, Cao An, Cẩm Vũ, Cẩm Hoàng... để giải quyết tình trạng thiếu nước tưới kéo dài", ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết.

Ngày trước, khi thiếu nước thì việc tận dụng triều cường để lấy nước ngược là giải pháp, còn hiện tại cách làm này cũng đi liền với rủi ro nhiễm mặn. Mặc dù vậy, khi chưa có phương án khả thi hơn thì các địa phương cần thận trọng khi lấy nước ngược, tránh những đợt nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép để không ảnh hưởng tới cây trồng. Theo đại diện Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, để vừa bảo đảm khối lượng và chất lượng nước tưới, đơn vị thực hiện đo độ mặn 3 lần/ngày ở cửa cống Cầu Xe, An Thổ. Khi nước đạt yêu cầu, công ty mới mở cửa cống lấy nước ngược từ sông Thái Bình vào trữ trong hệ thống.

Thời tiết diễn biến ngày càng bất lợi, khó lường và hạn mặn là một trong những hệ lụy không thể mãi ứng phó mà cần thích ứng hiệu quả, an toàn. Vì thế, ngoài những giải pháp tình thế, cấp bách thì các địa phương cần quan tâm tới việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn loại cây trồng chịu hạn, chịu mặn phù hợp nhằm bảo đảm sản xuất ổn định, lâu dài.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đối mặt với nguy cơ hạn mặn