[Video] Côn Sơn-Kiếp Bạc rộn ràng vào lễ hội

03/09/2022 12:25

Sau 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19, Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay được tổ chức trở lại với đầy đủ nghi thức, hứa hẹn một mùa lễ hội hấp dẫn.


Chưa khai hội nhưng du khách khắp nơi đã về Côn Sơn - Kiếp Bạc để tham quan


Sống lại không khí lễ hội

Lễ hội được đông đảo nhân dân địa phương và du khách chờ đợi và càng ý nghĩa hơn khi khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc đang trên hành trình trở thành di sản văn hóa thế giới.

Dịp 2.9, bà La Thị Thành ở Lục Ngạn (Bắc Giang) cùng nhiều người đã đến tham quan, vãn cảnh và dâng lễ tại khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc. Dù trước lễ hội trời nắng nóng song bà Thành không cảm thấy mệt mỏi. Trước khi có dịch Covid-19, năm nào bà cũng về Côn Sơn-Kiếp Bạc. "Hai năm qua không được đi lễ hội nên những chúng tôi cảm thấy tiếc nuối. Lần này về, thấy Côn Sơn và Kiếp Bạc đẹp đẽ hơn. Nếu sắp xếp được, chúng tôi lại về vào chính lễ hội, vì từ nhà tôi đến đây không xa", bà Thành nói.

Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc nhận định lễ hội năm nay sẽ đón đông du khách trở về sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19. Do đó công tác chuẩn bị được tiến hành chi tiết và triển khai từ sớm. Ban Quản lý đã cải tạo môi trường, trồng hoa tại khuôn viên ở cả 2 khu di tích Côn Sơn và Kiếp Bạc để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Hàng quán ở cả 2 khu di tích được sắp xếp gọn gàng, chấm dứt tình trạng lộn xộn từng diễn ra. Đồng thời, đã huy động đoàn viên thanh niên dọn vệ sinh khuôn viên chùa Côn Sơn, đường lên Bàn Cờ Tiên, đường lên núi Ngũ Nhạc, vớt rác ở hồ Bán Nguyệt, hồ Kiếp Bạc...

"Du khách trở lại Côn Sơn-Kiếp Bạc lần này chắc chắn sẽ cảm thấy hài lòng và được hòa mình vào thiên nhiên xanh, sạch, đẹp. Trong thời gian diễn ra lễ hội, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường sẽ được đặc biệt quan tâm để hạn chế thấp nhất tình trạng nhếch nhác, tạo ấn tượng tốt đẹp cho  du khách ", bà Thùy Liên cho biết.

Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung tổ chức lễ hội trang trọng, đúng nghi thức và nâng tầm giá trị di tích, nhất là  khi khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO vinh danh là di sản thế giới. 

Vinh danh di sản


Kiếp Bạc có cảnh sắc thiên nhiên hài hòa, là địa điểm nhiều du khách chọn đến vào mỗi mùa lễ hội

Lễ hội truyền thống mùa thu và mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc là lễ hội lớn của Hải Dương cũng như của cả nước, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, thế kỷ XIV, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chọn vòng cung Đông Bắc để xây dựng những cơ sở thờ tự, tu thiền đầu tiên của dòng thiền Trúc Lâm như: Yên Tử, Hồ Thiên, Ngọa Vân, Quỳnh Lâm, Thanh Mai, Côn Sơn, Kiếp Bạc, Vĩnh Nghiêm… Trong không gian văn hóa, tôn giáo đặc trưng đó, khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc có vị trí rất quan trọng, là cầu nối giữa Kinh đô Thăng Long với Thánh địa Trúc Lâm Yên Tử. Từ đây, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử phát triển, lan tỏa khắp đồng bằng, trung du Bắc Bộ, ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Việt.

Tự hào vì Côn Sơn - Kiếp Bạc là nơi gắn bó chặt chẽ của 2 ngôi sao sáng nhất trong bầu trời Đại Việt là Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi. Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo là người tổng chỉ huy quân đội, kháng chiến đại thắng Mông Nguyên, người viết Hịch tướng sĩ - một áng thiên cổ hùng văn bất hủ, đã đưa ông lên hàng những nhà chiến lược quân sự thiên tài, ngang tầm những danh tướng trên thế giới. Nguyễn Trãi - linh hồn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Đại thi hào của dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người viết tuyên ngôn ở đầu thế kỷ XV. Trong "Phú núi Chí Linh", Nguyễn Trãi viết “Tắt muôn đời chiến tranh”, đó cũng là mục tiêu phấn đấu của hội đồng hòa bình thế giới hôm nay.

Kiếp Bạc từ lâu đã trở thành một trung tâm tín ngưỡng, Trần Hưng Đạo trở thành một vị Thánh trong tâm thức dân gian. Côn Sơn là chốn Tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm - một thiền phái mang tư tưởng tự cường dân tộc. Các vị tổ của thiền phái này cũng là những nhân vật lịch sử và văn hóa tiêu biểu của dân tộc. Hơn thế, đây còn là di tích gắn liền với đại gia đình Nguyễn Trãi, với ông ngoại là quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán, cha là Nguyễn Phi Khanh, mẹ là Trần Thị Thái.

Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành tập tục văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc. Đến với lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc là ước vọng thiêng liêng, đã lưu truyền trong hàng trăm thế hệ người dân đất Việt: “Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa thành”.

Lễ hội mùa thu năm nay diễn ra từ ngày 5-15.9 (tức ngày 10-20.8 âm lịch). Trong đó có 3 nghi lễ chính: Lễ tưởng niệm 580 năm ngày mất Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; Lễ khai ấn và ban ấn; Lễ tưởng niệm 722 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đặc biệt trong khuôn khổ lễ hội, Tuần văn hóa du lịch mùa thu Kiếp Bạc sẽ lần đầu tiên được tổ chức. Ngoài ra, du khách tiếp tục được chứng kiến màn hội quân tái hiện Hào khí Đông A trên sông Lục Đầu - nơi quân và dân nhà Trần khi xưa đánh đuổi quân Nguyên Mông xâm lược, bảo vệ vững bền bờ cõi.

Xem clip


TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Video] Côn Sơn-Kiếp Bạc rộn ràng vào lễ hội