Bản thảo viết tay "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng được đưa về lưu trữ quốc gia

06/05/2023 18:38

Ngày 5.5, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tiếp nhận tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của gia đình nhà văn Sơn Tùng, trong đó có bản thảo viết tay tác phẩm ‘Búp sen xanh’, nhiều bản thảo viết tay khác về Bác Hồ.

Bản thảo viết tay ‘Búp sen xanh’ của nhà văn Sơn Tùng được đưa về lưu trữ quốc gia - Ảnh 1.

Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, nhận tài liệu trao tặng từ con trai nhà văn Sơn Tùng

Khối tài liệu đặc biệt quý của nhà văn Sơn Tùng

Bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - đánh giá đây là "khối tài liệu đặc biệt quý". Trong đó nổi bật là bản thảo viết tay tác phẩm Búp sen xanh - tác phẩm nổi tiếng nhất trong số 16 tác phẩm về Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng, cuốn sách nằm lòng của nhiều lớp thiếu niên và thế hệ người dân Việt Nam.

Hiện vật trong lần hiến tặng thứ ba này của gia đình nhà văn Sơn Tùng cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III còn có các bản thảo tác phẩm: 

Bông sen vàng, Sen vàng - con đường từ Huế, Chiến khu lõm, Người vẽ cờ tổ quốc, Từ con đường ấy, Cô đơn Người chẳng bao giờ cô độc, Con đường và con người, Người Sài Gòn trong đêm Hà Nội đánh B52, Truyện Trần Phú... và nhiều bản thảo các bài viết về Bác Hồ.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên gia đình gửi bảo quản tại trung tâm 15 băng như: Bác Hồ đến Mỹ, Người chụp ảnh Bác Hồ, Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ, Hẹn gặp lại Sài Gòn…

Ngoài ra còn có nhiều hiện vật quý gắn với cuộc đời và sáng tác của nhà văn như đài radio, máy đánh chữ, đồng hồ đeo tay, hộp đựng bút, các loại kính, bản khắc dấu, các danh hiệu Anh hùng lao động, huân chương, huy chương, kỷ niệm chương…

Bản thảo viết tay ‘Búp sen xanh’ của nhà văn Sơn Tùng được đưa về lưu trữ quốc gia - Ảnh 3.

Khối bản thảo viết tay nhiều tác phẩm nổi tiếng về Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng 

Bức hoành phi có số phận ly kỳ

Trong số các hiện vật được gia đình gửi vào Trung tâm Lưu trữ quốc gia III còn có bức hoành phi "Phượng mao tế mỹ".

Đây chính là bức hoành phi mà nhân dân vùng Sơn Tây đã tặng cho ông Cao Xuân Dục khi ông làm tổng đốc Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang (1889).

Ông Sơn Định - con trai nhà văn Sơn Tùng - kể bức hoành phi này đã được mang về quê hương ông Cao Xuân Dục ở Nghệ An và đã thoát nạn bị phá hủy trong thời kỳ cải cách ruộng đất nhờ vào một số người dân tiếc mà xin về "treo chuồng gà chuồng lợn".

Sau này khi về quê hương Nghệ An gặp nhân chứng, tìm tư liệu viết Búp sen xanh, nhà văn Sơn Tùng đã có cơ duyên được biết về mối quan hệ thân thiết nhiều ân tình giữa ông Cao Xuân Dục và gia đình Bác Hồ.

Những chi tiết này không được đưa vào sách, nhưng nhà văn Sơn Tùng vẫn được người dân Nghệ An tin tưởng trao tặng bức hoành phi của ông Cao Xuân Dục.

Bức hoành phi có số phận ly kỳ

Nhà văn Sơn Tùng (1928 - 2021) từng viết nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện, kịch bản phim… Một trong những đề tài được ông dày công sáng tác đó là đề tài viết về Bác Hồ và các danh nhân văn hóa của dân tộc.

Ông đã viết rất nhiều tác phẩm về chủ đề Bác Hồ và các danh nhân, trong đó có 16 đầu sách viết về Bác Hồ.

Ghi nhận công lao đóng góp của nhà văn Sơn Tùng về đề tài Hồ Chí Minh và danh nhân cách mạng thời kỳ cứu nước, nghị lực phi thường của một thương binh nặng, ngày 14-7-2011 Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho ông.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bản thảo viết tay "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng được đưa về lưu trữ quốc gia