Những lá thư thời chiến Việt Nam "Con chữ không im lặng"

16/05/2023 10:26

Sau hơn nửa thế kỷ, những trang thư "có lửa" từ chiến trường một lần nữa trở về, thành "những con chữ không im lặng" để kể về khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng và cả thời đại mà chúng ta đang sống.

Cuốn sách Những lá thư thời chiến Việt Nam

Cuốn sách Những lá thư thời chiến Việt Nam

"Lá thư riêng này mang nặng tình cảm của cả núi sông, của lịch sử đấy con ạ" - lời của bác sĩ Vũ Đình Tụng dặn dò con khi giao lại bức thư Bác Hồ gửi lúc một cậu con trai của ông hy sinh cũng đúng với tất cả những lá thư từ chiến trường trong cuốn Những lá thư thời chiến Việt Nam.

Có những lá thư được viết bằng thơ, có những lá thư mộc mạc chân chất. Có lá thư người đứng tên không biết chữ, phải nhờ người khác viết hộ. Đặc biệt còn có cả thư của những người lính phía bên kia, hiện diện như một cách hàn gắn. 

Những trang thư ăm ắp yêu thương từ chiến trường của Đặng Thùy Trâm gửi người thân

Những trang thư ăm ắp yêu thương từ chiến trường của Đặng Thùy Trâm gửi người thân

Phần lớn tác giả của những bức thư này không còn nữa. Song mỗi dòng thư tay không chỉ là kỷ vật vô giá với người thân ở lại, mà còn là di sản chung đánh dấu những trang sử vàng của đất nước.

Thư Bác Hồ: "Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi"

Tháng 1.1947, từ Việt Bắc, Bác đã viết một lá thư cảm động cho bác sĩ Vũ Đình Tụng - một người công giáo yêu nước vừa có con trai hy sinh khi chiến đấu bảo vệ Hà Nội vào mùa đông năm 1946. 

Lá thư giản dị nhưng đẫm tình non nước, đồng bào của người cha già dân tộc: "Tôi được báo cáo rằng: con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột...".

Bút tích trang cuối nhật ký Chuyện đời (Mãi mãi tuổi 20) của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc in trong sách

Bút tích trang cuối nhật ký Chuyện đời (Mãi mãi tuổi 20) của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc in trong sách

Hay lá thư của Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng gửi Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô năm 1965 xin chấp thuận nguyện vọng của hai con ông muốn được gia nhập quân ngũ cũng mang đến niềm cảm động và niềm tin lớn cho thế hệ trẻ hôm nay khi được thấy một thế hệ cán bộ lãnh đạo một lòng dâng hiến, hy sinh cho đất nước.

Những con chữ hàn gắn

Ngoài lá thư của Bác Hồ được gửi trong kháng chiến chống Pháp, cuốn sách chỉ thu thập được những cánh thư duy nhất từ mặt trận Điện Biên Phủ của thượng tướng Vũ Lăng gửi vợ. 

Giống như nhiều lá thư trong cuốn sách này, người đọc hôm nay thấy vừa hài hước vừa cảm động khi chứng kiến tình yêu thời chiến, vợ chồng như "đôi bạn cùng tiến" vậy. 

Trong thư gửi vợ, người lính Vũ Lăng đã kể chuyện chiến dịch, những bài học rút ra từ những trận đánh, "vấn đề xây dựng quyết tâm để chỉnh sửa tư tưởng sai lầm", nhắc nhau đọc truyện của Liên Xô in trên báo Quân Đội Nhân Dân...

Thư gửi vợ (lúc này còn là bạn gái) của anh Nguyễn Văn Trỗi

Thư gửi vợ (lúc này còn là bạn gái) của anh Nguyễn Văn Trỗi

Lại cũng có những lá thư hoàn toàn khác tinh thần ấy, như hai lá thư của anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi viết cho vợ và cho ba mẹ, người thân khi bị địch bắt giam ở khám Chí Hòa và chờ ngày ra pháp trường. 

Những dòng chữ cuối cùng của một chiến sĩ cách mạng gửi về cho thân quyến chỉ thăm hỏi tình cảm giản dị, những động viên khỏe mạnh, yên vui.

Những lá thư dài ngập tràn yêu thương từ chiến trường đầy bom đạn gửi em gái đang học ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên) và gửi vợ của nhà khoa học trẻ Hoàng Kim Giao trước khi hy sinh năm 27 tuổi, hay những cánh thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc gửi người thân cũng vậy. Cùng mùi khói súng là ăm ắp tình cảm thiết tha rất con người.

Thư của thiếu tướng Nguyễn Thị Định gửi đồng chí của mình

Thư của thiếu tướng Nguyễn Thị Định gửi đồng chí của mình

Bộ sách còn có cả thư của những người lính phía bên kia gửi cho chính người lính giải phóng mà ông ta đã bắn chết. Đó là lá thư của cựu binh Mỹ Richard Luttrell. 

Năm 1989, ông viết một bức thư cho một "Việt cộng" mà ông ta đã bắn chết trong trận đánh ở Chu Lai năm 1967, khi hai nòng súng đối mặt nhau.

Lá thư thực ra như một lời tự vấn và tự thú đau đớn: "Thưa ông, tại sao ông lại không bắn tôi trước? Khi mà khẩu AK-47 trong tay ông cũng đã lên đạn và ông đã nhìn tôi rất lâu? Xin hãy tha thứ cho tôi vì đã bắt ông phải chết. Tôi chỉ phản ứng theo cách mà tôi được huấn luyện, thực tình lòng tôi không muốn thế".

Chuyện kể rằng trong ngực áo của người lính giải phóng có một bức ảnh chụp cùng con gái. Người cựu binh Mỹ đã luôn mang theo mình bức ảnh với nỗi ám ảnh khôn nguôi. 

Một ngày ông quyết định mang lá thư và bức ảnh đặt dưới chân bức tường tưởng niệm những lính Mỹ đã chết trong chiến tranh Việt Nam tại Washington, để rồi lá thư và bức ảnh được đưa vào một cuốn sách ông đọc được năm 1996. 

Richard Luttrell quyết định tìm gặp con gái của người lính giải phóng để nói lời tạ lỗi, trao trả lại bức hình và ông đã được toại nguyện. Lan - cô gái trong bức hình năm xưa - đã nhận lời xin lỗi của ông, như cách mà cả dân tộc Việt đã chọn bao dung sau mỗi lần đi qua chiến tranh trong hàng ngàn năm lịch sử.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những lá thư thời chiến Việt Nam "Con chữ không im lặng"