Hai đơn vị đặc biệt của quân đội tuyển quân như thế nào?

05/02/2023 07:39

Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn Nghi lễ Quân đội cử sĩ quan về các địa phương, chọn từng trường hợp với tiêu chí nghiêm ngặt về ngoại hình, đạo đức, sức khỏe.

Thượng tá Chu Xuân Trọng, Trưởng Ban Quân lực, Phòng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết đơn vị đã hoàn thành tuyển quân năm 2023 và sẵn sàng nhận quân ngày 6.2.

Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng hằng năm tuyển quân tại 13 tỉnh trên địa bàn của quân khu 1, 2 và 3 gồm Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Tuyên Quang - những địa phương giàu truyền thống cách mạng.

Bộ Tư lệnh chỉ tuyển công dân cao từ 1,7 m, trong đó 50% chỉ tiêu cao 1,75-1,8 m; ngoại hình cân đối, phù hợp với nhiệm vụ, không có hình xăm, nốt chàm trên da; sức khỏe bảo đảm loại 1 và 2. Công dân phải có phẩm chất đạo đức tốt, trong sạch; chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Đó phải là người gương mẫu, lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị; người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật.

Chiến sĩ Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh diễu hành qua trước Lăng, tháng 9/2022. Ảnh: Giang Huy

Chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh diễu hành qua trước Lăng, tháng 9.2022. Ảnh: Giang Huy

Theo thượng tá Trọng, khó khăn lớn nhất trong quá trình tuyển quân là xác minh hồ sơ, lai lịch của công dân. Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng có nhiều yếu tố đặc thù nên việc xác minh càng phải tuyệt đối chặt chẽ, nghiêm ngặt. "Nếu như ở các đơn vị khác, việc tuyển quân giao cho Hội đồng Nghĩa vụ các địa phương, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng hằng năm cử cán bộ về địa phương, trực tiếp tuyển chọn, xác minh, bảo đảm nguyên tắc 3 gặp, 4 biết", anh Trọng cho hay.

Ba gặp là gặp công dân, gặp gia đình và gặp địa phương. Bốn biết là biết về sức khỏe, văn hóa, lai lịch chính trị và phẩm chất đạo đức. Trong phẩm chất đạo đức thì quan trọng nhất là biết được nguyện vọng của công dân có mong muốn được đứng trong hàng ngũ quân đội hay không; đối nhân xử thế như thế nào; mối quan hệ với người thân, hàng xóm và tham gia các tổ chức đoàn thanh niên, phong trào ở địa phương ra sao.

Trưởng Ban Quân lực Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng cho hay, sau khi xem xét, tổng hợp phản ánh, trường hợp nào có điểm cần lưu ý thì phải đối chiếu với quy định của quân đội, nếu vi phạm thì loại ra. Với công việc như vậy, mỗi cán bộ chỉ xác minh được khoảng 10 công dân mỗi tháng. Sau khi kiểm tra sức khỏe, có huyện chỉ chọn được một người.

Ba chiến sĩ của Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng ôm hồng kỳ nghiêm trang tiến lên bục để chuẩn bị thực hiện các nghi thức thượng cờ tại quảng trường Ba Đình, hồi tháng 9/2022. Ảnh: Giang Huy

Ba chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng ôm hồng kỳ nghiêm trang tiến lên bục để chuẩn bị thực hiện các nghi thức thượng cờ tại quảng trường Ba Đình, hồi tháng 9.2022. Ảnh: Giang Huy

Cùng với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, Đoàn Nghi lễ Quân đội cũng là đơn vị có tiêu chí tuyển quân rất cao cả về ngoại hình và phẩm chất chính trị. Thiếu tá Nguyễn Việt Bắc, Trưởng Ban Tuyên huấn Đoàn Nghi lễ Quân đội, cho biết năm nay Đoàn tuyển chọn 138 công dân, tăng 3 chỉ tiêu so với năm ngoái.

Ngoài các tiêu chuẩn được quy định chung, Đoàn yêu cầu công dân phải được cấp ủy, chính quyền cấp xã nơi cư trú kết luận đủ điều kiện theo quy định của Bộ Quốc phòng về nguyên tắc tuyển chọn và điều động người vào làm việc tại cơ quan, đơn vị trọng yếu, cơ mật.

Công dân được chọn phải có sức khỏe loại 1, 2; chiều cao từ 1,8 m đến 1,85 m; tuổi đời từ 18 đến 22 (trình độ cao đẳng, đại học đến 23 tuổi); quân dung đẹp, ngoại hình cân đối. Công dân phải tốt nghiệp từ THPT, nếu tốt nghiệp THCS thì tất cả các tiêu chuẩn khác phải đạt tốt; ưu tiên người có năng khiếu về thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ.

Khi địa phương thông báo thanh niên ở độ tuổi nhập ngũ có các tiêu chí phù hợp, đơn vị sẽ về xác minh, quân y đi cùng. Cán bộ thâm nhập tuyển quân phải nghiên cứu kỹ hồ sơ lý lịch và chất lượng chính trị của công dân, thực hiện đúng quy định "3 gặp 4 biết", với phương châm "tuyển người nào, chắc người đó", kiên quyết không nhận những người không đủ tiêu chuẩn vào đơn vị.

Điều kiện về chiều cao sẽ được kiểm tra đầu tiên, sau đó lần lượt đến các tiêu chuẩn khác. "Lý lịch của các thanh niên này phải được kiểm tra, xác minh chặt chẽ vì nhiệm vụ phục vụ nghi lễ của Đoàn có tính chất đặc thù, ở vòng trong cùng, thường xuyên tiếp xúc các nguyên thủ ở khoảng cách rất gần", thiếu tá Bắc nói.

Đội tiêu binh trong nghi lễ đón đoàn Thủ tướng Đức Olaf Scholz tháng 11/2022. Ảnh: Giang Huy

Đội tiêu binh trong nghi lễ đón đoàn Thủ tướng Đức Olaf Scholz tháng 11.2022. Ảnh: Giang Huy

Tân binh của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và Đoàn Nghi lễ Quân đội sẽ được huấn luyện toàn diện các nội dung về quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, chiến thuật, rèn luyện khả năng sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là huấn luyện chuyên sâu về điều lệnh đội ngũ, nghiệp vụ.

Đối với Đoàn Nghi lễ Quân đội, để đáp ứng được yêu cầu "đúng, đều, mạnh, đẹp", hằng ngày, các chiến sĩ phải dày công luyện tập từ hơi thở đến vóc dáng, luyện tập với cường độ cao cả về thể lực, điều lệnh đội ngũ, nghiệp vụ nghi lễ, tang lễ. Phương pháp nâng dần độ khó, từ những bài tập đơn giản đến nâng cao, từ kỹ thuật cá nhân đến hợp luyện đội hình.

Các chiến sĩ phải bảo đảm sự trang nghiêm, chính xác, chuẩn mực, không được xảy ra sai sót, thực hiện tốt phương châm "trọng thị, trang nghiêm khi đón khách, tận tình, chu đáo trong lễ tang".

Tân binh của Đoàn Nghi lễ phải tập đứng nghiêm tay không và có súng. Họ phải học đứng ke tay, ke chân, ke người với cọc được căng dây trong thời gian dài để hình thành phản xạ có điều kiện chuẩn xác. Để đáp ứng nhiệm vụ đứng trong 2 giờ thì khi huấn luyện, chiến sĩ phải đứng được 3-4 giờ liên tục.

Khi đứng nghiêm trong thời gian dài, tất cả đều phải giữ đầu thẳng, vai không lệch, dù bị ngứa hay côn trùng đốt cũng không được cử động. Mặt phải tươi tỉnh, ánh mắt trang nghiêm. Trong khoa mục huấn luyện điều lệnh đội ngũ, có rất nhiều động tác phải phối hợp cùng thời điểm.

Để rèn luyện sức khỏe, bên cạnh nội dung huấn luyện điều lệnh, đội hình đội ngũ, chào, vác súng, giữ súng, đứng nghiêm, các chiến sĩ của hai đơn vị đặc biệt này cũng kết hợp rèn luyện thể lực với các bài võ, thể dục, chạy dài, tập gym để tăng tính bền bỉ, dẻo dai, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh.

Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (đơn vị tiền thân là Đoàn 69) được thành lập ngày 14.5.1976 theo Quyết định số 109/QĐ-QP của Bộ Quốc phòng với nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là "giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới".

Đoàn Nghi lễ Quân đội là đơn vị trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, thành lập ngày 20.8.1945, tiền thân là "Ban Âm nhạc giải phóng quân", "Đội Danh dự bảo vệ Bác Hồ và Trung ương Đảng". Nhiệm vụ chính trị của Đoàn là phục vụ nghi lễ của Đảng, Nhà nước, Quân đội; huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng thời tham gia biểu diễn nghệ thuật âm nhạc phục vụ các đơn vị Quân đội và nhân dân Thủ đô.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Hai đơn vị đặc biệt của quân đội tuyển quân như thế nào?