Tránh chồng chéo trong Luật Nhà ở (sửa đổi)

05/06/2023 21:42

Tại phiên thảo luận tổ ngày 5.6, nhiều bất cập trong thực tiễn ở Hải Dương liên quan đến các dự án luật đã được các đại biểu Quốc hội tỉnh phản ánh.

Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị rà soát để tránh chồng ché​o, không tương đồng giữa dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với Luật Đất đai, Luật Quy hoạch

Ngày 5.6, sau phiên làm việc tại hội trường Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tiếp tục thảo luận cả ngày ở tổ cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Sơn La, Bình Thuận về 3 dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Vướng mắc trong xử lý chung cư cũ

Góp ý vào dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát để tránh chồng chéo, không tương đồng giữa dự thảo luật này với Luật Đất đai, Luật Quy hoạch...

Về chương trình quy hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, dự thảo luật này quy định UBND tỉnh tổ chức xây dựng chương trình quy hoạch phát triển nhà ở rồi xin ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi trình HĐND các cấp thông qua. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho rằng việc này nhằm mở rộng đối tượng lấy ý kiến so với Luật Nhà ở hiện hành đang quy định chỉ các thành phố trực thuộc Trung ương mới cần xin ý kiến của bộ. Đồng chí đề nghị xem xét việc mở rộng đối tượng lấy ý kiến có thuận lợi hơn trong tổ chức triển khai hay không? Đồng chí đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội rằng nên sửa đổi luật theo hướng giao quyền tự chủ cho chính quyền địa phương nhiều hơn. 

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị bổ sung "nhà ở xã hội" trong điều 73, khoản 12 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cũng cho biết thời gian qua, địa phương gặp vướng mắc trong cải tạo, di dời, xây dựng lại các khu chung cư, nhà tập thể cũ vì mục đích bảo đảm an toàn, sức khỏe người dân. Dự thảo luật cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu và nhà đầu tư đối với các công trình này.

Đồng chí Triệu Thế Hùng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ định nghĩa nhà lưu trú của công nhân tại dự thảo luật và cho rằng quy định càng cụ thể, rõ ràng thì luật càng dễ đi vào thực tiễn cuộc sống.

Cũng phát biểu tại phiên thảo luận về nội dung này, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Giám đốc Sở Tư pháp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho biết tại điều 73, khoản 12 quy định doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà lưu trú công nhân để cho người lao động trong đơn vị mình thuê lại theo quy định tại mục 3 của chương này. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm “nhà ở xã hội” trong quy định này, bởi khái niệm nhà lưu trú công nhân chưa có trong các quy định khác.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cũng đề nghị khái niệm nhà ở xã hội tại khu công nghiệp cho người lao động cần thống nhất, làm rõ để tránh chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

Tham gia thảo luận tại tổ, Tổng Thư ký Quốc hội Quốc hội Bùi Văn Cường (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng việc xây dựng nhà lưu trú công nhân là cần thiết. Tuy nhiên, khi thi công cần tính toán cả những nhu cầu thiết yếu của người lưu trú để trên địa bàn có cả siêu thị, trường học, cơ sở y tế, các dịch vụ xã hội, các thiết chế văn hóa để phục vụ đời sống người công nhân và dần hình thành khu dân cư sinh sống lâu dài.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị khái niệm nhà ở xã hội tại khu công nghiệp cho người lao động cần thống nhất

Vẫn chưa điều tra tình trạng ô nhiễm hệ thống sông Bắc Hưng Hải

Tham gia thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng việc giao Chính phủ quy định chi tiết 20/80 nội dung của dự thảo luật là quá nhiều. Đại biểu Việt Nga đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát cụ thể hóa thêm trong luật.

Về quy định tại mục 7 điều 23, đại biểu Việt Nga cho rằng quy định đang mơ hồ, chưa rõ về việc xả thải vào nguồn nước, không rõ như thế nào là xả thải phù hợp với chức năng nguồn nước. Cơ quan soạn thảo cần rà soát, sửa đổi theo hướng nước trước khi nước xả thải vào môi trường phải xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết cử tri vẫn phản ánh tình trạng ô nhiễm trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải

Thông tin về việc cử tri Hải Dương tiếp tục phản ánh tình trạng ô nhiễm nặng nề trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải do nhiều nhà máy xả thải ở đầu nguồn, đại biểu Việt Nga cho biết hệ thống sông này về cuối nguồn giống như một dòng kênh chứ không phải dòng sông.

"Người dân ở các huyện Thanh Miện, Bình Giang khi cần nước tưới tiêu, sinh hoạt thì không thể lấy nước từ sông trừ khi trời mưa rất to, lượng nước lớn và loãng ra. Đời sống sinh hoạt, canh tác của bà con bị thiệt hại hoàn toàn và không thể đong đếm. Tôi đã từng chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhưng từ đó tới nay chưa có cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra liên quan đến vấn đề này được tổ chức và cử tri Hải Dương vẫn tiếp tục phản ánh vấn đề này", đại biểu Việt Nga bức xúc.

Cùng phản ánh tình trạng nhức nhối ở hệ thống sông Bắc Hưng Hải đoạn qua địa bàn tỉnh Hải Dương, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho biết đây giống như một dòng sông chết vì ô nhiễm. Qua hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri, nhiều người bày tỏ sự trăn trở, lo lắng và đề nghị nghiên cứu, đưa ra giải pháp phù hợp để tránh hiện tượng nước tù, không có đường xả, không lưu thông dẫn đến ô nhiễm nặng nề như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết hệ thống sông Bắc Hưng Hải qua Hải Dương giống như một dòng sông chết vì ô nhiễm

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh chồng chéo trong Luật Nhà ở (sửa đổi)