Nâng niu tấm Huy hiệu Bác Hồ

22/01/2023 10:32

Tại Hải Dương, nhiều cá nhân lập được những thành tích xuất sắc trong lao động, học tập và chiến đấu đã vinh dự được nhận huy hiệu của Bác.

Cuối năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh xin phép Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho Người được đặt ra và trực tiếp thưởng Huy hiệu Bác Hồ cho những tấm gương người tốt, việc tốt. Tại Hải Dương, nhiều cá nhân lập được những thành tích xuất sắc trong lao động, học tập và chiến đấu đã vinh dự được nhận huy hiệu của Bác.

Tấm Huy hiệu Bác Hồ là một kỷ vật thiêng liêng được bà Đỗ Thị Thìn lưu giữ cẩn thận

Làm thủy lợi vượt định mức nhiều lần

Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được thông tin của bà Ngô Thị Kim Hoa ở thôn Tiêu, xã Hồng Thái cũ, nay là Hồng Dụ (Ninh Giang) - người từng được Bác tặng huy hiệu về thành tích làm thủy lợi. Trò chuyện với chúng tôi, kiện tướng thủy lợi năm xưa nay mái tóc đã bạc trắng nhưng ký ức về thời lao động tập thể đầy vất vả dường như vẫn vẹn nguyên. Bà Hoa kể năm 1962 khi vừa tròn 17 tuổi, bà tình nguyện tham gia Đội thủy lợi của xã. Ở Đội thủy lợi xã Hồng Thái lúc đó, bà Hoa là người trẻ nhất nhưng nhờ cao, khỏe nên luôn làm vượt định mức. 

Từ năm 1963 - 1965, khi tham gia làm công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải tại Tứ Kỳ, sức trẻ của cô thôn nữ Ngô Thị Kim Hoa khiến mọi người nể phục khi liên tiếp lập kỷ lục làm từ 2 - 3 định mức/ngày. Ngày đó, bà và anh em trong đội thủy lợi xã phải ở nhờ nhà dân để tiện đi lại. Điều kiện làm việc rất thiếu thốn nhưng ai cũng hăng hái. Từ năm 1963-1965, bà liên tục được bầu là chiến sĩ thi đua. Năm 1965 bà được bầu là kiện tướng thủy lợi.

Tháng 10.1965, bà vinh dự được Bác Hồ tặng huy hiệu. “Đó là một ngày cuối tháng 10, tôi nhận được thông báo của xã Hồng Thái về họp. Khi vừa đến UBND xã, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã gọi tôi vào phòng thông báo và trân trọng trao tặng tôi Huy hiệu Bác Hồ kèm theo bằng công nhận Kiện tướng thủy lợi. Lúc đó, tôi vừa tự hào, vừa xúc động. Tôi không nghĩ đóng góp nhỏ bé của mình lại được Bác quan tâm”, bà Hoa nhớ lại. 

Xây dựng nhà trẻ tiêu biểu

Từng vinh dự được nhận Huy hiệu Bác Hồ, bà Đỗ Thị Thìn, sinh năm 1940, thôn Trúc Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) kể năm 1960, khi 20 tuổi, bà hăng hái nhận công việc cô nuôi dạy trẻ tại cụm trường Trúc Lâm gồm 4 thôn: Trúc Lâm, Phong Lâm, Văn Lâm, Nghĩa Hi (Hoàng Diệu). Hằng ngày, bà cùng với 3 cô giáo của cụm trường trông, nuôi gần 40 cháu nhỏ. Với vai trò chủ nhiệm lại là người yêu trẻ, bà Thìn thường đi sớm, về muộn hơn mọi người. Nhiều trẻ khi hết giờ nhưng gia đình chưa có người đón, bà lại đưa các cháu về nhà chăm sóc.

Bà Thìn nhớ lại: “Năm 1963, sau khi tham gia lớp tập huấn ở nhà trẻ Nhà máy Sứ Hải Dương, thấy mô hình ăn bán trú buổi trưa ở đây rất hiệu quả, tôi đề nghị với xã cho áp dụng tại địa phương. Ngay sau đó mô hình bán trú cho trẻ được chúng tôi thực hiện, giúp gia đình các cháu yên tâm sản xuất, lao động. Để các cháu có chỗ nghỉ trưa, tôi đề xuất với địa phương đóng giường cho các cháu ngủ tại lớp. Được địa phương và bố mẹ trẻ ủng hộ, chúng tôi đi xin tre, gỗ cùng địa phương, gia đình làm giường cho các cháu. Từ một nhà trẻ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, chúng tôi đã xây dựng Trúc Lâm thành một nhà trẻ tiêu biểu toàn tỉnh”.

Với những thành tích, sáng kiến tiêu biểu, năm 1966, bà Thìn được công nhận là cô nuôi dạy trẻ giỏi và được cử đi dự Hội nghị Cô nuôi dạy trẻ tiêu biểu toàn miền Bắc tại Hà Nội. Tại hội nghị này, bà đã chia sẻ kinh nghiệm nuôi, dạy trẻ và được đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh trao Huy hiệu Bác Hồ. “Đó là niềm vinh dự lớn nhất cuộc đời tôi”, bà Thìn nói. 

Nhặt được của rơi, trả lại người mất

Năm 1966, bà Trần Thị Đọ hiện ở thôn Tam Tương, xã Hồng Dụ (Ninh Giang) là học sinh cấp II xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ), được Bác Hồ tặng huy hiệu về việc tốt nhặt được tiền, tìm người bị rơi để trả lại. "Hôm đó, tôi và một người bạn cùng làng đi học về. Trên đường, tôi nhìn thấy một cuộn giấy được gói rất kỹ, lại gần thấy là cuộn tiền. Tôi cầm cuộn tiền chạy một mạch quay trở lại trường đưa cô giáo chủ nhiệm. Cô giáo cầm số tiền và cùng tôi sang UBND xã bàn giao cho chính quyền. Trong lúc đang bàn giao thì người đánh rơi tiền cũng tìm đến để trình báo. Nghe mọi người nói tôi là người đã nhặt được 2 vạn 5 nghìn, người này đã ôm chầm lấy tôi cảm ơn. Ít lâu sau tôi được các anh chị nhà báo đến phỏng vấn, viết bài và được Bác Hồ gửi tặng huy hiệu”, bà Đọ kể lại.

Sau khi học xong cấp hai, bà Đọ làm công nhân cầu đường thuộc Xí nghiệp Cầu đường Hải Hưng, rồi bà được kết nạp vào Đảng, làm Bí thư Chi đoàn, Tổ trưởng Tổ sản xuất của xí nghiệp, Chủ tịch Công đoàn... Ở vị trí nào bà cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 1992, bà nghỉ hưu.

Gần 60 năm trôi qua, nhắc lại câu chuyện về tấm huy hiệu được Bác Hồ tặng, bà Hoa, bà Thìn, bà Đọ đều rưng rưng xúc động. Với họ, tấm Huy hiệu Bác Hồ không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là động lực để họ không ngừng phấn đấu, rèn luyện trong lao động, sản xuất.

HÀ VY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng niu tấm Huy hiệu Bác Hồ